Mục tiêu của hội nghị nhằm đánh giá toàn diện công tác PCTT năm 2022, bao gồm những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, hội nghị cũng đánh giá tình hình thiên tai trong năm 2023, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác PCTT trong năm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận tại Hội nghị
Tại Việt Nam, năm 2022, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai, 1.072 trận thiên tai được thống kê[1]. Một số đợt thiên tai cực đoan, dị thường trong năm có thể kể đến như: Mưa lớn kéo dài tại miền Bắc trong các tháng 4,5,6[2]; miền Trung hứng chịu liên tiếp 03 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nặng nề[3]; 247 trận động đất xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; đê biển Tây, tỉnh Cà Mau bị sạt lở do sóng lớn… Thiên tai trong năm đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).
Công tác phòng, chống thiên tai năm 2022 đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo, lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Uỷ ban Quốc gia, các bộ, ngành, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác PCTT năm 2022 đã đạt được những kết quả toàn diện trên cả 3 mặt: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó:
Công tác phòng ngừa thiên tai được triển khai đồng bộ cả chiều sâu và diện rộng: Hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể PCTT quốc gia; tiếp tục triển khai Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh; đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao khả năng chống chịu của công trình hạ tầng, nhà ở an toàn vùng thiên tai; tích cực đổi mới công tác thông tin, truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng theo nhiều hình thức sáng tạo; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế…
Công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai ngày càng chặt chẽ, quyết liệt, bám sát thực tiễn. Cụ thể, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã ban hành 39 công điện, 71 văn bản chỉ đạo và tổ chức 16 cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Ban Chỉ đạo chủ trì, cùng sự tham gia của 93 lượt điểm cầu tại cấp tỉnh/thành phố để ứng phó với thiên tai. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo (Cục Quản lý Đê điều và PCTT) tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi, nắm bắt sớm các tình huống thiên tai đồng thời phân tích, nhận định, đánh giá diễn biến để đưa ra các biện pháp ứng phó, tham mưu kích hoạt toàn bộ hệ thống PCTT, người dân, cộng đồng vùng thiên tai vào cuộc ngay sau khi có thông tin của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn.
Đối với công tác khắc phục hậu quả thiên tai, mặc dù phải tập trung nguồn lực cho phục hồi kinh tế sau dịch, Thủ tướng Chính phủ vẫn quyết định hỗ trợ 1.800 tỷ đồng cho 28 tỉnh, thành phố khắc phục hậu quả thiên tai; xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để khắc phục nhanh chóng, kịp thời. Sau mỗi đợt thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo cùng với lãnh đạo các cấp ở địa phương đã trực tiếp xuống hiện trường động viên thăm hỏi người dân bị thiệt hại, trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế đã có sự phối hợp, hỗ trợ, hợp tác nhằm hạn chế rủi ro thiên tai và tái thiết sau thiên tai. Do đó, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo Phó Thủ tướng, công tác phòng, chống thiên tai năm qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế kéo dài, đó là vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người trong thiên tai. Việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện, chưa sát với thực tế. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung cũng như công trình phòng, chống thiên tai nói riêng còn thấp. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế. Nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu...
"Trước diễn biến thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan, công tác phòng, chống thiên tai ngày càng khó, trong khi đó nguồn lực đối với công tác này không thay đổi. Đây chính là những vấn đề ảnh hưởng không nhỏ trong công tác phòng, chống thiên tai", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Để làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, cần tiếp tục thay đổi tư duy của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện phương châm chuyển từ "ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa" trong phòng, chống thiên tai.
Các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật về phòng, chống thiên tai, có sự tham mưu, điều chỉnh các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của thiên tai. Đầu tư nguồn lực cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo yêu cầu chính xác, kịp thời.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống thiên tai. Các địa phương cần quan tâm đến việc lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai) tổng hợp kiến nghị các địa phương để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý.
Tạp chí KTTV tổng hợp