Theo báo cáo của Phòng NN&PTNN huyện Hồng Dân thì vụ lúa Đông Xuân năm 2019-2020 trên địa bàn huyện xuống giống được 8.993 ha, hiện đang trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng; lúa trên đất tôm xuống giống 23.550ha, lúa giai đoạn trổ bông, chín và thu hoạch (hiện tại thu hoạch được 350ha, chủ yếu ở xã Ninh Thạnh Lợi A).
Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân cùng với Chủ tịch xã Ninh Thạnh Lợi A kiểm tra độ mặn tại tuyến kênh Phó Sinh - Cạnh Đền
Tính đến ngày 29/12, kết quả đo độ mặn trên địa bàn huyện Hồng Dân tại tuyến kênh như: Phó Sinh - Cạnh Đền (xã Ninh Thạnh Lợi A) dao động từ 2,1-2,5‰, khu vực Bến Luôn - Ba Đình - Cầu Đỏ (xã Vĩnh Lộc A) dao động từ 0,8-0,9‰. Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT từ nay đến Tết Nguyên đán tình trạng hạn mặn xâm nhập cho trà lúa-tôm 23.500ha của vùng chuyển đổi theo 2 hướng từ biển Đông và biển Tây Nam. Trong khi đó khả năng xã bị ảnh hưởng xâm nhập mặn hướng từ Cà Mau - Kiên Giang hiện tại đã ảnh hưởng đến trà lúa tôm xã Ninh Thạnh Lợi A, nhưng dưới mức độ thấp khoảng 3‰.
Để chủ động trong việc phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lãnh đạo huyện Hồng Dân đang chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo sản xuất, sinh hoạt cho người dân mùa khô 2019-2020. Cử cán bộ trực tiếp theo dõi tình hình diễn biến nước mặn ở các tuyến kênh, trên ruộng lúa (mô hình tôm lúa) khu vực vùng chuyển đổi, thông báo kịp thời cho các, xã thị trấn và bà con nông dân chủ động bảo vệ sản xuất lúa trên đất tôm.
Cống ngăn mặn trên địa bàn huyện Hồng Dân sẵn sàng đối phó với hạn mặn
Hiện, UBND huyện Hồng Dân đã có công văn chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất; theo đó đề nghị ban ngành đoàn thể huyện tăng cường tuyên truyền về diễn biến tình hình xâm nhập mặn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, tăng cường công tác kiểm tra nước mặn xâm nhập trên các tuyến kênh Phó Sinh - Cạnh Đền, Ba Đình - Vĩnh Lộc…kịp thời thông báo các ban, ngành, các xã và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt; cập nhật số liệu về tình hình nước mặn xâm nhập, kịp thời báo cáo Sở NN&PTNT.
Ông Lê văn Đang, Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân cho biết: “Ngay từ đầu năm thực hiện theo kế hoạch của UBND huyện luôn vận động bà con xuống giống theo đúng lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp, gieo sạ sớm hơn mọi năm. Bên cạnh đó UBND xã vận động bà con nông dân gia cố bờ bao, bơm trữ nước ngọt… luôn cử cán bộ theo dõi độ mặn của các tuyến kênh để có biện pháp kịp thời như đắp đập ngăn mặn các tuyến kênh bảo vệ lúa. Ngoài ra, UBND xã tuyên truyền, vận động nhân dân tiết kiệm nước; kiểm tra độ mặn trước khi bơm nước vào đồng ruộng để tránh thiệt hại; chủ động phối hợp với các ban, ngành cấp huyện thông báo về việc đắp các đập ngăn mặn để người dân chủ động trong sản xuất, sinh hoạt và nâng cao ý thức trong việc bảo quản các công trình ngăn mặn.
Cống âu thuyền Ninh Quới
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân cho biết: “Trước diễn biến cực đoan của thời tiết, biến đổi khí hậu, Phòng đã có báo cáo gửi các địa phương về việc xây dựng kế hoạch cụ thể để phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh. Đối với vùng có khả năng xâm nhập hạn mặn cao luôn cử cán bộ giám sát chặt chẽ. Phải luôn cập nhật chỉ số độ mặn tại các tuyến kênh, báo cáo hàng ngày.
Hiện nay trên toàn huyện Hồng Dân có gần 30 công trình cống ngăn mặn luôn có cán bộ túc trực 24/24. Để chủ động phòng, chống xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất hiệu quả cho nông dân, địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn; kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý”.
Những cánh đồng lúa trĩu hạt nhờ chủ trương phòng chống hạn mặn tốt trên địa bàn huyện Hồng Dân
Cùng với đó, UBND huyện cũng yêu cầu các địa phương bố trí sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở những vùng không đảm bảo nguồn nước trong cả vụ sản xuất. Tăng cường tuyên truyền, thông tin về tình hình nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn tới người dân, các cấp chính quyền để nâng cao nhận thức, sử dụng tiết kiệm nguồn nước, chủ động có giải pháp phù hợp.
Đặc biệt hiện nay trên địa bàn huyện Hồng Dân, Dự án cống âu thuyền Ninh Quới (thuộc xã Ninh Quới A) sắp hoàn thành sẽ giúp chủ động điều tiết, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu ổn định thuộc tỉnh Bạc Liêu, góp phần điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu. Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Về lâu dài, tạo điều kiện chuyển nước ngọt phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu với diện tích khoảng 30.000ha…
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, tình hình thời tiết, thủy văn những tháng mùa khô 2019-2020 sẽ diễn biến phức tạp nên cả ngành nông nghiệp và nông dân cần cập nhật liên tục tình hình và những diễn biến bất thường, cực đoan của các hiện tượng thời tiết nhằm đảm bảo một vụ sản xuất thành công.
Dự án cống âu thuyền Ninh Quới gồm 2 công trình chính là xây dựng cống âu thuyền Ninh Quới và xây dựng cống thay thế cống Ninh Quới cũ. Tổng nguồn vốn đầu tư 400 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 - 2021. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành, bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng trước ngày 30/3/2021. Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10. Công trình thi công trên kênh Quản Lộ Phụng Hiệp, cách ngã tư Ninh Quới về phía Sóc Trăng 750m… |