Huy động 145 người xử lý sạt lở đê biển Tây Nam bộ

Đăng ngày: 13-07-2022 | Lượt xem: 1831
Từ ngày 10-7 đến nay, ở nhiều tỉnh Tây Nam bộ đã xảy ra mưa lớn kèm theo giông lốc, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, tại Cà Mau, ngày 11-7, do gió mạnh, sóng lớn kết hợp triều cường dâng cao, mực nước đỉnh điểm là 1,75m (tương đương với thời điểm sạt lở xảy ra vào ngày 3-8-2019) đã gây tràn cục bộ và sạt lở đê biển Tây.

Đê biển Tây là công trình quan trọng góp phần bảo vệ hơn 90.000ha đất sản xuất nông nghiệp và hàng ngàn hộ dân tại hai huyện Trần văn Thời và U Minh trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Lực lượng chức năng Cà Mau gia cố đê biển Tây. Ảnh: Cổng TTĐT Cà Mau

Cụ thể, 3 vị trí sạt lở thuộc đoạn Đá Bạc - Kênh Mới, đê biển Tây, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời với chiều dài 110m, mặt đê bằng bê tông rộng 5,5m. Hiện địa phương đang huy động lực lượng 145 người để xử lý sự cố bằng giải pháp xếp hai lớp rọ đá, bố trí 40 cán bộ thường xuyên túc trực, theo dõi, tuần tra.

Sóng lớn kết hợp triều cường cũng làm tràn cục bộ tại 3 vị trí thuộc địa bàn xã Khánh Tiến, huyện U Minh với tổng chiều dài khoảng 75m; mặt đê bằng đất, rộng 6,5m. Rất may tại vị trí tràn không gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

Ngoài ra, báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang cho thấy từ ngày 10 đến 12-7, mưa lớn kèm giông lốc làm 321 ngôi nhà bị thiệt hại; 76 ha lúa và cây ăn trái bị ảnh hưởng; 10 tàu neo đậu và đánh bắt thủy sản ven bờ ở Cà Mau và Kiên Giang bị chìm.

Đáng chú ý, tại Kiên Giang, ngày 12-7, một tàu cá di chuyển từ ngoài biển vào cửa sông Đông Dương bị lật, trên tàu có 7 người, lực lượng đã cứu hộ được 5 người, vẫn còn 2 người mất tích đều thường trú tại huyện Hòn Đất.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày và đêm 13-7, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3,0 - 5,0m.

Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và vùng biển phía Đông của khu vực Nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 2,0 - 4,0m.

Thủy triều cao nhất ngày 12-7 tại trạm Hà Tiên xảy ra từ 14 giờ đến 17 giờ với độ cao mực nước triều từ 1,3 - 1,4m.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa và giông, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 30 - 50mm/24h có nơi trên 90mm/24h. Từ ngày 14-7, mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng giảm dần.

An Hiền

Nguồn PLO: https://plo.vn/huy-dong-145-nguoi-xu-ly-sat-lo-de-bien-tay-nam-bo-post688888.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: