Những tháng đầu năm 2022, tình hình thiên tai diễn biến hết sức phức tạp với 4 đợt gió mùa đông bắc và không khí lạnh tăng cường, 1 đợt nắng nóng, đặc biệt là đợt lũ trái mùa với mức nước xấp xỉ báo động 2 tại sông Kiến Giang. Đợt mưa lũ đã khiến cho hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập lụt, hư hỏng. Thiệt hại do thiên tai trong toàn tỉnh từ đầu năm đến nay là trên 170 tỷ đồng. Điều đáng quan tâm là những diễn biến bất ngờ, vượt ra ngoài mọi quy luật của thời tiết đang tiếp tục cảnh báo những nguy cơ lớn hơn trong mùa mưa bão năm 2022.
Lực lượng chức năng cứu hộ tại thị trấn Phong Nha, Bố Trạch tháng 10/2020
Những mùa mưa bão trước đây, tỉnh đã triển khai cơ bản hiệu quả các giải pháp phòng chống, ứng phó, góp phần giảm nhẹ những hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Đó là tình trạng hàng trăm nghìn hộ dân bị chia cắt trong mưa lũ, đặc biệt là đợt mưa lũ tháng 10/2020, bị thiếu thức ăn và các nhu yếu phẩm cần thiết, phải trông chờ vào sự ứng cứu của chính quyền, các lực lượng chức năng và thiện nguyện. Mặc dù tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân nhưng do số lượng hộ dân bị chia cắt lớn, mưa lũ kéo dài nên lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận kịp thời để cung cấp nhu yếu phẩm và hỗ trợ bà con.
Cùng với ngập sâu, tại nhiều khu vực miền núi, sông suối đã xảy ra tình trạng sạt lở như bản Sắt, xã Trường Sơn (Quảng Ninh), các xã Thuận Hóa, Thạch Hóa (Tuyên Hóa), Dân Hóa (Minh Hóa)… đe dọa đến tính mạng và tài sản nhân dân. Trong bối cảnh mưa lũ, việc tổ chức di dời các hộ dân đến nơi an toàn và cung cấp nhu yếu phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Việc tái định cư cho bà con sau khi thiên tai xảy ra vẫn còn những bất cập, chậm trễ, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Là vùng đất thường xuyên hứng chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai, thực tế đã chứng minh “4 tại chỗ” là bài học chưa bao giờ cũ. Qua nhiều mùa mưa bão cho thấy địa phương nào sẵn sàng phương án “4 tại chỗ” thì sẽ ứng phó hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Và ngay trong mỗi gia đình, “4 tại chỗ” càng đóng vai trò quan trọng, nhất là trong những tình huống thiên tai phức tạp, dài ngày.
Trong đợt mưa lũ tháng 10/2020, nhiều địa phương đã kịp thời sơ tán những hộ dân trong khu vực nguy hiểm đến các trường học, trụ sở xã, nhà cao tầng… Việc sơ tán đã giúp tính mạng của người dân được bảo đảm. Tuy nhiên, khi địa bàn bị chia cắt dài ngày, các hộ dân phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống. Tương tự, một số gia đình có thể cầm cự với mưa lũ ngay trong ngôi nhà của mình, nhưng việc thiếu các loại nhu yếu phẩm cần thiết là bài toán khó khi thiên tai diễn biến phức tạp và lực lượng chức năng chưa thể ứng cứu…
Để “4 tại chỗ” trong mỗi gia đình phát huy hiệu quả, bên cạnh sự quan tâm và sẵn sàng các phương án ứng phó của tỉnh, các cấp, ngành, người dân cần chủ động phòng, chống thiên tai với phương châm phòng ngừa ngay từ sớm.
Đó là trước mùa mưa lũ, mỗi gia đình cần chuẩn bị túi dự phòng khẩn cấp với đầy đủ các loại nhu yếu phẩm phù hợp như lương khô, mì tôm, đồ hộp, nước uống, bếp dầu hoặc bếp gas mini, bật lửa, thuốc, vật dụng để cưa song cửa hoặc mái nhà để thoát ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp, áo phao, xuồng…
Số lượng hàng hóa của các túi dự phòng khẩn cấp này tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu của các thành viên gia đình trong thời gian từ 5-7 ngày để trong trường hợp khó khăn nhất, người dân vẫn được đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, thay vì bị động trông chờ vào lực lượng chức năng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng kiểm tra các điểm sạt lở tại Trường Sơn tháng 10/2020
Trao đổi về nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng yêu cầu: “Các huyện, thị xã, thành phố và chính quyền địa phương, cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phát huy ý thức tự giác, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, chủ động phòng tránh ngay tại cộng đồng. Quá trình thực hiện, đối với số hộ nghèo nằm trong vùng nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở, lũ ống, lũ quét… tỉnh sẽ có phương án hỗ trợ. Ngân sách trung hạn và dự phòng năm 2022 đều chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống này, bảo đảm không bị động, bất ngờ trong mùa mưa lũ năm nay!”
Bên cạnh đó, nguồn ngân sách đầu tư công của tỉnh đã ưu tiên cho các công trình thiết yếu phòng, chống thiên tai. Cùng với đầu tư cho một số công trình hồ đập, đê kè bị xuống cấp cần tu sửa, nâng cấp, ngân sách đã dành để đầu tư mới các công trình xung yếu, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đến đời sống, sản xuất của nhân dân trong mùa mưa lũ năm 2022.
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh cho biết, thực hiện nội dung chỉ đạo của tỉnh, trên cơ sở thực tế ảnh hưởng của thiên tai trong những năm gần đây và dự báo tình hình năm 2022, Sở NN-PTNT đã chuẩn bị danh mục vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương án “4 tại chỗ” trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân trong những tình huống cấp bách nhất. Cùng với vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm là một số công trình nhà văn hóa cộng đồng kết hợp phòng, tránh lũ cho một số địa bàn trọng yếu, thường xuyên bị ngập lụt.
Tại huyện Lệ Thủy, địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, rút kinh nghiệm từ đợt mưa lũ tháng 10/2020, để bảo đảm hiệu quả của phương châm “4 tại chỗ”, phương tiện được quan tâm trang bị nhiều nhất là xuồng cứu hộ. Bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của chính quyền địa phương, nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm cũng tập trung lớn cho loại phương tiện quan trọng này để chủ động di dời khi cần thiết.
Bước vào mùa mưa lũ năm nay, đặc biệt là hai đợt mưa lũ sớm vừa qua, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con chủ động các phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là sẵn sàng phương án “4 tại chỗ” bao gồm việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm đề phòng chia cắt dài ngày. Cùng với Lệ Thủy, các địa phương khác trong tỉnh cũng sẵn sàng kế hoạch ứng phó với diễn biến bất ngờ của thiên tai năm nay.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng kiểm tra công tác tái định cư tại bản Sắt tháng 12/2020
Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp nhà tránh lũ là công trình hiệu quả trong ứng phó với thiên tai. Năm 2021, toàn tỉnh đã có 5 nhà được đầu tư xây dựng từ ngân sách và nguồn xã hội hóa. Nhà được thiết kế kết hợp hài hòa công năng sử dụng, đáp ứng yêu cầu ứng phó với mưa lũ cũng như sinh hoạt văn hóa của người dân. Tiếp nối những bài học kinh nghiệm này, trong danh mục các công trình ứng phó với thiên tai giai đoạn 2022-2024, Sở NN-PTNT đề xuất tỉnh đầu tư thêm 7 nhà tại những địa bàn thường xuyên bị ngập lụt, việc tránh trú của người dân gặp nhiều khó khăn.
Mùa mưa lũ 2020, trên địa bàn tỉnh có nhiều địa điểm bị sạt lở nặng, rất may chưa có thiệt hại về người, do đó, việc theo dõi, cập nhật, dự báo tình hình, rà soát nắm bắt nguy cơ sạt lở để chủ động di dời là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, cần sẵn sàng phương án tái định cư từ sớm để nhanh chóng giúp người dân ổn định đời sống, sản xuất nhằm hoàn thành tốt yêu cầu ứng phó với thiên tai bảo đảm cơ bản và lâu dài.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2022 cần đề phòng bão mạnh với hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ cùng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác, nhất là trong mùa mưa bão. Từ những bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với thiên tai những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đang nỗ lực đồng hành cùng nhân dân để nâng cao hiệu quả phương án “bốn tại chỗ”, chủ động, sẵn sàng trước mọi diễn biến của thiên tai.