Khắc phục tạm thời kè ven biển tỉnh Quảng Bình bị sóng lớn đánh sập

Đăng ngày: 20-10-2021 | Lượt xem: 2347
Tỉnh Quảng Bình đã huy động hàng trăm người cùng máy móc, phương tiện gia cố tạm thời 2 tuyến kè này nhằm ứng phó với các đợt thiên tai sắp tới.

Những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa to kèm theo gió mạnh, sóng lớn đã làm nhiều vị trí tại tuyến kè biển Nhật Lệ, xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới và tuyến kè biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch bị sụt lún, đứt gãy. Tỉnh Quảng Bình đã huy động hàng trăm người cùng máy móc, phương tiện gia cố tạm thời 2 tuyến kè này nhằm ứng phó với các đợt thiên tai sắp tới.

Địa phương đã chở đá hộc đổ xuống gia cố tại vị trí kè sạt lở

Tuyến kè biển Nhật Lệ thuộc phường Hải Thành và xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới bị đứt gãy, sụt lún tại nhiều vị trí. Tuyến kè dài hơn 800m, là công trình quan trọng nhằm gia cố, bảo vệ tuyến đường du lịch ven biển Nhật Lệ. Bà Lê Thị Nga, ở xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay, mưa đã ngớt nhưng sóng biển vẫn lớn, nguy cơ sạt lở tuyến kè rất cao.

“Những năm trước, dãy bờ kè này chịu ảnh hưởng lớn bởi sạt lở, nhiều nhà hàng ven biển bị sập. Nhưng năm nay có bờ kè mới xây dựng, mọi người phấn khởi, tuy nhiên mới được 1 thời gian ngắn thì hiện nay lại bị sạt lở tiếp”, bà Lê Thị Nga cho hay.

Đoạn kè tại xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch bị sóng đánh sập một đoạn dài 50m

Triều cường, sóng lớn cũng đã đánh sập 50m kè biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vào chiều ngày 17/10. Tuyến kè biển Nhân Trạch hoàn thành năm 2012, có tổng chiều dài gần 2,5km, bảo vệ an toàn cho cho các khu dân cư dọc bãi biển.

Ông Ngô Xuân Trọng ở thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, tại vị trí kè sạt lở, sóng đánh gãy phần bê-tông cốt thép thân kè, làm sập mái lát kè phía biển và nền kè, đá và các mảng bê tông bị sóng đánh hất lên xếp chồng nhau. Gia đình ông Quang ở cạnh chân sóng nên rất lo lắng.

Nhiều mảng bê tông thân kè bị sóng đánh sập, hất tung

“Xuất hiện những cơn sóng lớn đánh vào là đập, nhấn lên kè và moi cát trong chân kè ra làm gãy bờ kè. Những hôm gió mạnh sóng lớn đẩy cát ra nhiều quá nên phía dưới kè chỉ còn chân không rỗng không có gì nên gãy cả. Bị vỡ kè rồi thì người dân ở xung quanh rất lo lắng, sợ sóng vào nhà. Xã và thôn đã huy động người dân và lực lượng của xã ra gia cố lại, chuẩn bị đón đợt gió mùa sắp tới đây”, ông Quang cho biết thêm.

Những khối đá hộc được dùng gia cố chân kè bị sạt lở.

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình chỉ đạo chính quyền các địa phương huy động người dân gia cố tạm thời đoạn đê kè bị hỏng, hạn chế thấp nhất tình trạng sóng biển ăn sâu vào bên trong. Ông Trần Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, nếu sạt lở tiếp tục diễn ra tỉnh sẽ triển khai ngay phương án di dời các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Sóng lớn đánh sâu vào chân kè làm sập đổ các tảng bê tông.

“Hiện tại đã chỉ đạo các địa phương, chủ yếu là thực hiện 4 tại chỗ, chủ động khắc phục các vị trí sạt lở bằng cách dùng các bao tải cát, đá hộc, rọ đá để bịt lại các vị trí hư hỏng, sạt lở để không phát triển được. Hiện nay mức độ sạt lở ở vị trí cục bộ vài chục mét, khi khắc phục kịp thời sẽ không phát triển chỗ sạt ra nữa, không ảnh hưởng đến các vị trí còn lại và đảm bảo an toàn cho người dân sống sau tuyến kè này”, ông Trần Nam thông tin./.

Theo Báo VOV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: