San ủi đất đá sạt lở trên tuyến quốc lộ 1D, đoạn qua phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn.
Theo báo cáo từ các địa phương, tính đến 10 giờ ngày 17/11, mưa, lũ đã làm một người chết, chín nhà bị hư hỏng, 3.171 nhà ngập nước; gần 61.000 học sinh các cấp của các huyện: Phù Cát, Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn không thể đến trường. Về nông nghiệp: 1.103 ha lúa, 325,5 ha hoa màu, 18,2 ha hoa mai, 25 ha cây dâu tằm bị ngập, 4,5 tấn lúa bị ướt, 47,5 ha ruộng bị sa bồi, thủy phá. Về chăn nuôi: 52 con gia súc; 5.858 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Về thủy lợi: 132m đê cấp IV trở xuống, bờ bao; 1.333 m kè, 4.026m kênh mương, 27 cống, 4.941m bờ sông, bờ suối bị hư hỏng...
Sáng 17/11, từ vùng bị ngập nặng ở phía đông huyện Phù Cát, trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân qua điện thoại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trần Văn Phúc cho biết: “Trước mắt ngành nông nghiệp và các ngành chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung dồn sức khắc phục các thiệt hại, sớm ổn định đời sống cho người dân vùng lũ. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại theo phương châm bốn tại chỗ, đồng thời chủ động di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao”.
Kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, các đồng chí lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phòng, chống ngập, úng đề phòng ảnh hưởng của mưa lớn; theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo không khí lạnh tặng cường, diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh bảo đảm an toàn cho người, tài sản và sản xuất. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đồng thời phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh tại nơi sơ tán đến. Tổ chức kiểm tra, rà soát tình trạng an toàn các công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công và các hồ chứa đã đầy nước. Chuẩn bị phương án, vật tư, phương tiện kịp thời tham gia ứng phó với các tình huống bất thường về mưa; không tích nước nếu hồ chứa không bảo đảm an toàn. Hiệu trưởng các trường học tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, chủ động cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn cho giáo viên và học sinh. Tổ chức lực lượng để canh gác tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục, bảo đảm giao thông thông suốt.
Các địa phương cũng đã khẩn trương di dời dân ở các vùng xung yếu, nguy cơ ngập lụt và sạt lở cao. Theo đó, huyện Phù Cát có 36 hộ khu vực Núi Gành xã Cát Minh, 30 hộ khu vực Núi Cấm xã Cát Thành đã được di dời đến nơi an toàn. Thành phố Quy Nhơn đã tiến hành di dời 67 hộ/93 nhân khẩu ở các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt đến các nơi tránh trú an toàn. Huyện Phù Mỹ có 2.313 nhà bị ngập nước, huyện đã di dời 155 hộ/542 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Kiểm tra một số vùng bị ngập lụt, chia cắt tại huyện Tuy Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã chỉ đạo phải hết sức lưu ý những nơi bị ngập sâu, nước chảy mạnh, các đơn vị, địa phương liên quan phải tổ chức rào chắn, bố trí lực lượng túc trực để chốt chặn không cho người, xe qua lại. Theo đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh, tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, huyện Tuy Phước và các xã trên địa bàn huyện đã hoặc có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt, phải rà soát lại các phương án phòng, chống thiên tai, bám sát theo tình hình thực tế để chủ động di dời dân, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, thuốc men, lương thực, thực phẩm… để sẵn sàng ứng phó kịp thời đối với các sự cố bất ngờ do mưa lũ; phải bảo đảm an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là không để cho bất cứ người dân nào bị đói và lạnh do mưa lũ.
Theo Báo Nhân dân