Điều này đã được nhấn mạnh tại Hội thảo “Công tác điều tra khảo sát thuỷ văn ở Đồng bằng sông Cửu Long và định hướng hoạt động trong thời gian tới” do Liên đoàn Khảo sát KTTV (Tổng cục KTTV) tổ chức tại TP Cần Thơ, ngày 21/7.
Diễn biến lũ, mặn, xói lở ngày càng phức tạp
Hàng năm, từ tháng 6 đến tháng 12 là những tháng mùa lũ trên sông Mê Công, lũ truyền về đến ĐBSCL từ tháng 8 đến tháng 12 qua sông Tiền, sông Hậu. Lũ về mang theo nhiều lợi ích cho vùng ĐBSCL như: cung cấp nguồn nước ngọt dồi dào phục vụ tự nhiên và sản suất, đời sống của cư dân trong vùng, là nguồn dự trữ nước ngọt quan trọng cho những tháng mùa khô; bồi đắp phù sa, làm tăng độ phì nhiêu của đất đai…
Tuy nhiên, lũ lớn lại làm ngập bãi ven sông và hơn 40% diện tích đồng bằng bị ngập trên 0,5m cũng gây nhiều thiệt hại về sản xuất, kết cấu hạ tầng và sinh mạng của người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Lũ lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống bà con vùng ĐBSCL. Ảnh minh hoạ
Trường hợp không có lũ (hoặc lũ nhỏ) cũng gây thiệt hại lớn đến khu vực này bởi sự xâm nhập mặn gia tăng; không có lũ cũng đồng nghĩa với việc suy giảm lượng phù sa và khả năng làm "sạch" đồng ruộng, môi trường dẫn đến suy giảm năng suất nông nghiệp, gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông và mất cơ hội mở rộng lãnh thổ vùng ĐBSCL gây ảnh hưởng khoảng 14 triệu nông, ngư dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Liên đoàn trưởng Liên đoàn Khảo sát KTTV Nguyễn Văn Đào cho biết, việc nghiên cứu, tính toán và quan trắc dòng chảy lũ, cạn, mặn ở ĐBSCL đã được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm đầu tư bằng hệ thống các trạm thủy văn cố định và mạng lưới trạm khảo sát lũ, hạn, mặn ở ĐBSCL (tại Quyết định số 2336/QĐ-BTNMT năm 2005), mạng lưới khảo sát này đã được điều chỉnh lần thứ nhất vào năm 2009, điều chỉnh lần thứ hai vào năm 2015.
Theo Liên đoàn trưởng Nguyễn Văn Đào, kết quả khảo sát những năm qua đã góp phần quan trọng vào công tác phòng tránh thiên tai, ứng phó với các tai biến môi trường. Tuy nhiên, những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã có những biểu hiện rõ nét như thay đổi về chế độ thuỷ văn, chế độ mưa, chế độ gió và diễn biến của các cơn bão. Mưa lũ ở một số vùng/sông khốc liệt hơn (nhất là các sông nhỏ, sông miền núi), dòng chảy mùa kiệt cũng thay đổi thời gian xuất hiện kiệt nhất, ranh giới mặn xâm nhập ngày càng sâu hơn.
“Thời gian xuất hiện lũ ở ĐBSCL cũng thay đổi so với nhiều năm trước, thậm chí có năm xuất hiện với đỉnh thấp hơn 3 m tại Tân Châu/Châu Đốc. Diễn biến mặn ở ĐBSCL ngày càng gia tăng độ mặn và phạm vi ảnh hưởng. Tình trạng xói lở lòng sông, bờ sông diễn biến phức tạp và ngày càng phổ biến”, ông Đào nói.
Cùng với sự biến đổi chế độ dòng chảy lũ, cạn những năm qua và sự phát triển các công trình xây dựng, giao thông, thuỷ lợi ở vùng ĐBSCL, mạng lưới trạm khảo sát lũ hiện nay có thể không phản ánh hết tình hình lũ, cạn, chưa đáp ứng được nhu cầu số liệu, nhiều vị trí đo đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay (như không có nước chảy do đắp đê, nâng đường, đóng cống…), nhiều vị trí cần phải bổ sung tuyến đo.
Hội thảo “Công tác điều tra khảo sát thuỷ văn ở Đồng bằng sông Cửu Long và định hướng hoạt động trong thời gian tới” diễn ra tại TP Cần Thơ, ngày 21/7. |
Mặt khác, theo ông Đào, trước yêu cầu phát triển bền vững ĐBSCL theo Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 thì ngoài nhu cầu số liệu về dòng chảy lũ, các số liệu cạn, mặn, xói lở và chế độ thủy văn thủy lực tại các vị trí xói lở là rất cần thiết. Đây là nhiệm vụ chính trị của ngành phải đáp ứng trong khi chúng ta chưa có mạng lưới quan trắc, khảo sát các yếu tố xói lở này một cách căn cơ, khoa học.
Cần có hệ thống mạng lưới, điểm khảo sát phù hợp
Ông Đào cho rằng, để có các giải pháp phù hợp, kịp thời nhằm thích ứng và giảm thiểu những tác hại do biến đổi khí hậu gây nên đối với khu vực ĐBSCL; đồng thời, cung cấp các thông tin cho việc giám sát biến đổi khí hậu một cách sát thực, phục vụ cho quy hoạch tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu và phòng tránh thiên tai trong khu vực…, việc có một hệ thống mạng lưới, điểm khảo sát, yếu tố đo đạc, chế độ quan trắc ở ĐBSCL phù hợp phản ánh được chế độ dòng chảy (lũ, cạn), xâm nhập mặn, xói lở lòng sông trong tình hình thực tế hiện nay là hết sức cần thiết.
Liên quan vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV La Đức Dũng đề nghị Vụ Quản lý mạng lưới KTTV chủ trì, phối hợp với một số đơn vị của Tổng cục KTTV xây dựng, đề xuất một hệ thống mạng lưới, điểm khảo sát; trong đó lưu ý đến yếu tố đo đạc, chế độ quan trắc phù hợp ở ĐBSCL phản ánh được chế độ dòng chảy lũ, cạn, mặn, xói lở lòng sông phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đáp ứng yêu cầu số liệu phục vụ dự báo, cảnh báo KTTV của các cấp, các ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng La Đức Dũng yêu cầu Liên đoàn Khảo sát KTTV xây dựng kế hoạch đo lưu lượng nước trong mùa cạn tại Bến Lức và Tân An để xem xét, đưa vào đề cương khảo sát năm 2021, nhằm phục vụ công tác dự báo hạn, mặn ngay trong mùa cạn năm 2021 trên hệ thống sông Vàm Cỏ; kế hoạch đo lưu lượng nước trên các nhánh sông chính của sông Cửu Long để xác định việc phân chia dòng chảy ra các nhánh của sông Cửu Long sau khi chảy qua trạm Mỹ Thuận (sông Tiền), trạm Cần Thơ (sông Hậu), đáp ứng số liệu cho các mô hình dự báo vùng cửa sông Cửu Long.
Có như vậy mới đảm bảo bộ số liệu điều tra khảo sát KTTV là tài liệu quan trọng để tính toán kiểm soát lũ ĐBSCL, kiểm soát nước vào ra qua biên giới, cân bằng nước và nghiên cứu quy hoạch. Đồng thời, phục vụ dự báo thủy văn khu vực, tạo cơ sở khoa học để các cấp, ngành chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với vùng ĐBSCL. Trên cơ sở đó, xây dựng các phương án để ứng phó nhanh đối với các tình huống sạt lở, xói lở.
Theo Báo TN&MT