Kế hoạch nhằm mục đích quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quyết định số 379/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng của công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự tham gia toàn xã hội trong việc triển khai, thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Mục tiêu của Kế hoạch phấn đấu đến năm 2030, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi có thiên tai mưa, lũ, giảm 50% thiệt hại về người do mưa lũ, sạt lở đất so với giai đoạn 2011-2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011-2020; phấn đấu 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai; lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cầu tại chỗ”.
Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai theo quy định; Nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; Xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội; Nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai; Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai đối với phạm vi quản lý của các cấp, các ngành. Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, công nghệ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai; tăng cường quản lý cơ sở dữ liệu bằng các phần mềm, điện thoại thông minh, các thiết bị cảnh báo sớm; Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin với các tỉnh giáp biên giới nước CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là tình hình mưa, lũ lụt và các hình thái thời tiết cực đoan khác, đồng thời tranh thủ vận động hỗ trợ của quốc tế trong phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT làm cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch này đồng bộ, kịp thời, hiệu quả.
Triển khai thực hiện tốt Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống thiên tai; phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát những bất cập và đề xuất kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng chống thiên tai.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; quản lý thực hiện nội dung quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi trong quy hoạch tỉnh; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hướng dẫn điều chỉnh sản xuất, phát triển giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai; đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp và quản lý, vận hành hiệu quả công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; xây dựng hệ thống công trình phòng chống thiên tai, cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo chuyên dùng, cơ sở vật chất, trang thiết bị,...
Tạp chí KTTV