Lực lượng vũ trang trên tuyến đầu phòng, chống thiên tai: Đâu cần, chúng tôi có...

Đăng ngày: 21-06-2022 | Lượt xem: 2421
Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Bắc Giang luôn khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, xung kích trên tuyến đầu, cùng các lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống; làm sáng thêm phẩm chất 'Bộ đội Cụ Hồ' thời kỳ mới.

“Tất cả vì tính mạng và tài sản của nhân dân”

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang 6 tháng đầu năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt trong tháng 5 hiện tượng mưa to gây nên lũ, ngập úng cục bộ, làm chia cắt trên một số xã trên địa bàn các huyện như: Lục Ngạn, Sơn Động, Việt Yên, Hiệp Hòa… gây thiệt hại lớn đến hoa màu, tài sản và đời sống của nhân dân.

Lực lượng vũ trang huyện Lục Ngạn giúp đỡ gia đình anh Vi Văn Tọ khắc phục hậu quả lũ lụt.

Đặc biệt tại huyện Lục Ngạn vào sáng 10/5 xảy ra mưa lớn kéo dài tại huyện Lục Ngạn kết hợp với lượng mưa lớn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đổ về đã gây ngập úng trên địa bàn 11 xã của huyện, gây nguy hiểm cho các hộ dân tại đây.

Trước sự uy hiếp của dòng nước lũ, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Trung tá Lục Kim Tuyến, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lục Ngạn, các cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện đã phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” với tinh thần “tất cả vì tính mạng và tài sản của nhân dân”, dũng cảm dầm mình trong dòng nước lũ để vận chuyển người, tài sản, vật nuôi của các hộ gia đình đến nơi tập kết an toàn.

Anh Vi Văn Tọ (dân tộc Nùng) là một trong những hộ bị sập nhà cho biết: “Nước lũ dâng quá nhanh, chúng tôi chỉ kịp chạy qua nhà hàng xóm bám lên cửa sổ, khoảng 15 phút được cán bộ Ban CHQS huyện và chiến sĩ dân quân đến ứng cứu đưa lên vị trí an toàn. Sau khi nước rút, trở về thì ngôi nhà đã bị sập, toàn bộ tài sản, vật nuôi bị cuốn theo dòng lũ dữ”.

Được biết, ngay sau lũ Ban CHQS huyện đã cử hàng chục cán bộ cùng chiến sĩ dân quân tự vệ đến giúp đỡ gia đình anh Tọ dựng tạm nhà bạt, dọn dẹp khu vực nhà bị sập và cùng các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội giúp đỡ về vật chất, động viên tinh thần gia đình vượt qua khó khăn.

Trực tiếp tham gia sơ tán nhân dân khu vực bị lũ, Trung tá Vũ Thành Trung, Trợ lý Tác huấn, Ban CHQS huyện Lục Ngạn chia sẻ: “Ngay khi nhận lệnh của cấp trên, chúng tôi lập tức lên đường vào vùng lũ tham gia hỗ trợ sơ tán bà con đến nơi an toàn. Đặc biệt, khu vực nước sâu, với tất cả phương tiện sẵn có, các cán bộ, chiến sĩ lao vào dòng nước lũ để cứu người nhanh nhất có thể”.

Cùng với gia đình anh Tọ, hàng trăm hộ dân khác cũng được các cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện phối hợp với các lực lượng đóng quân trên địa bàn, công an huyện, các các ban, ngành, đoàn thể sơ tán về nơi an toàn.

Trung tá Lục Kim Tuyến, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lục Ngạn cho biết: “Sau khi nắm thông tin mưa lũ trên địa bàn huyện, được sự chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh và UBND huyện, chúng tôi đã huy động 100% cán bộ, gần 500 chiến sĩ dân quân tự vệ phối hợp với các đơn vị đóng quân trên địa bàn, lực lượng công an huyện, các ban, ngành đoàn thể địa phương nhanh chóng cơ động lực lượng giúp sơ tán gần 200 hộ dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Đồng thời phối hợp với công an huyện cử lực lượng chốt chặn những khu vực ngập sâu nguy hiểm không để người và phương tiện di chuyển qua”. Với sự chủ động, nhanh chóng phối hợp cứu hộ giữa LLVT và các lực lượng khác, trong đợt lũ vừa qua đã không xảy ra thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân.

Trong đó có 3 ngôi nhà bị sập, gần 700 ha cây trồng và hơn 3.000 vật nuôi bị chết và cuốn trôi; 25 điểm trên các tuyến quốc lộ 31, tỉnh lộ 290, 279 bị sạt lở; hàng trăm cột điện bị gãy đổ gây mất điện trên diện rộng… Tổng thiệt hại hơn 120 tỷ đồng.

Khi nước rút, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Lục Ngạn càng thêm khẩn trương. Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai ngay lực lượng, phương tiện tham gia khắc phục hậu quả.

Khẩn trương thu dọn cây xanh ngã đổ, vệ sinh môi trường nhà ở, trường học, trạm xá, trụ sở làm việc của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tập trung khắc phục các điểm sạt lở ở khu dân cư, trên các tuyến đường giao thông; nạo vét kênh mương nội đồng... giúp nhân dân khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống.

Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”

Thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai cho cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị số 3182/CT-BTL ngày 31/12/2020 của Tư lệnh Quân khu về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phòng chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập.

Lực lượng vũ trang tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt tại Lục Ngạn, tháng 5/2022.

Đồng thời thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Từ đầu năm 2021 đến nay, các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh đã huy động hơn 3 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, cháy rừng. Đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực, lực lượng, phương tiện trực sẵn sàng cơ động khi có tình huống; thường xuyên hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội của Bộ, Quân khu đóng quân trên địa bàn, sẵn sàng tham gia ứng phó khi xảy ra sự cố.

Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan quân sự địa phương các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bổ sung các phương án phòng, chống lụt, bão gắn với diễn tập khu vực phòng thủ; di dời, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Đợt mưa lũ xảy ra vào tháng 5 vừa qua, huyện Lục Ngạn có 3 ngôi nhà bị sập, gần 700 ha cây trồng và hơn 3.000 vật nuôi bị chết và cuốn trôi; 25 điểm trên các tuyến quốc lộ 31, tỉnh lộ 290, 279 bị sạt lở; hàng trăm cột điện bị gãy đổ… Tổng thiệt hại ước hơn 120 tỷ đồng.

Các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người dân nhận thức rõ phòng, chống lụt, bão là trách nhiệm của mỗi công dân, của mọi gia đình và toàn xã hội; từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, chủ động đối phó kịp thời khi lụt, bão xảy ra.

Theo Đại tá Dương Văn Đoàn, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Bộ CHQS tỉnh yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn; dự báo tình hình, đánh giá sát đúng các khu vực, địa bàn trọng điểm, chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp thiết thực ứng phó hiệu quả với các thảm họa thiên tai.

Khi xảy ra bão, lụt, lũ quét, sạt lở đất phải có nhiều phương án tiếp cận các khu vực bị chia cắt, cô lập; có phương án bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Tham mưu cho chính quyền địa phương rà soát nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đánh giá nơi ở, địa điểm và có phương án sơ tán bảo đảm an toàn cho người dân.

Xây dựng lực lượng xung kích ở từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Trước mùa bão, lũ, các cơ quan, đơn vị cần chú trọng phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương kiểm tra, khơi thông thường xuyên các khu vực có nguy cơ nghẽn dòng; cắm biển cảnh báo những khu vực nguy hiểm, kịp thời báo động cho nhân dân khi thiên tai xảy ra.

Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh trên tuyến đầu phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã thể hiện rõ phẩm chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới, góp phần xây đắp tình quân - dân thêm bền chặt, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Bài, ảnh: Phạm Đoàn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/quoc-phong/385871/luc-luong-vu-trang-tren-tuyen-dau-phong-chong-thien-tai-dau-can-chung-toi-co-.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: