* ĐÀ NẴNG DỪNG CÁC HOẠT ĐỘNG CHƯA CẦN THIẾT, TRỰC BAN 24/24 ĐỂ ƯU TIÊN CHỐNG BÃO
Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh kiểm tra cảng cá Thọ Quang.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng trao đổi thông tin phòng chống bão Noru với Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
Sẵn sàng các biện pháp ứng phó
Chiều 25-9, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, đã đến kiểm tra tại Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cùng Bộ trưởng kiểm tra thực địa.
Báo cáo với Bộ trưởng, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng cho biết: Công tác phòng chống lụt bão đối với các tàu trong bờ hiện nay đã được đảm bảo. Tuy nhiên, hiện thành phố Đà Nẵng vẫn còn 39 tàu đang hoạt động trên biển. Trong đó, 7 tàu gần bờ, các tàu còn lại đã liên lạc được và hướng dẫn cho ngư dân thoát khỏi vùng nguy hiểm vào khu vực tránh trú bão an toàn. Bộ đội biên phòng cho biết, khi có bão vào thì việc kêu gọi người dân ở tàu lên bờ. Đây là một trong những vấn đề được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm. Tâm lý người dân khi có bão luôn luôn quan tâm đến tài sản, vì vậy, lực lượng bộ đội biên phòng đang tiếp tục kêu gọi người dân lên bờ, công tác đảm bảo tài sản đã được lực lượng CA triển khai, an toàn sinh mạng cho người dân là trên hết. Nếu người dân không lên bờ thì lực lượng chức năng buộc phải khống chế lên bờ. Hiện thành phố Đà Nẵng không còn lồng bè trên biển (trước đây có 800 cái nhưng hiện đã giải tán hết. đối với các tàu công suất nhỏ thì các đồn biên phòng dọc biển sẽ hỗ trợ ngư dân đưa tàu vào bờ).
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng thông tin thêm đến Bộ trưởng, ở các khu vực miền núi như H.Hòa Vang, vùng ven biển, TP Đà Nẵng đã có các phương án di dân từ vùng trũng, vùng nguy hiểm, vùng sạt lở đến nơi an toàn. Ngoài ra, lãnh đạo địa phương đã bố trí các địa điểm, lương thực để cho người dân sơ tán.
Người dân ven biển Đà Nẵng cẩu tàu thuyền lên bờ để đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại khi bão đổ bộ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai TP Đà Nẵng sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão gần biển Đông, tổ chức kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho các tàu thuyền di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, hoặc không đi vào khu vực có khả năng ảnh hưởng của bão. Đặc biệt, lực lượng chức năng cần phải rà soát các phương án sơ tán dân tại các vùng xung yếu ven biển quận Sơn Trà và quận Liên Chiểu, các vùng có nguy cơ sạt lở ở huyện Hòa Vang.
Ngày 25-9, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND về việc ứng phó với bão Noru. UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 19-4-2022 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022; phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 2360/QĐ-UBND ngày 6-9-2022. Để triển khai công tác phòng chống bão, các đơn vị, địa phương tạm dừng các cuộc họp chưa thật sự cần thiết vào thời điểm này.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn (thứ 2 từ phải qua) kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn tài sản cho ngư dân.
Không để xảy ra tai nạn, cháy nổ
Tại cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị ứng phó bão, ông Trần Phước Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu BCH Bộ đội Biên phòng thành phố tiếp tục thông báo cho tất cả các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của bão để chủ động phòng tránh, khẩn trương vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn; chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Đà Nẵng, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực II và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án tìm kiếm cứu nạn trên biển. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu trú tránh bão đã được quy hoạch; khẩn trương di dời các tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu lực lượng công an phối hợp với các đơn vị, địa phương hướng dẫn ngư dân thực hiện các giải pháp, biện pháp, bố trí lực lượng thường trực phòng cháy chữa cháy khi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang, không để xảy ra tai nạn, cháy nổ; chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức chốt chặn ở những vị trí nguy hiểm, ngập sâu trên các tuyến giao thông cầu, đường quan trọng để bảo đảm an toàn; tổ chức bảo vệ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tài sản của Nhà nước và nhân dân tại các khu vực trọng điểm, các khu vực sơ tán dân đi và dân đến. Chủ động phối hợp BCH Quân sự, BCH Bộ đội Biên phòng thành phố triển khai phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, PCCC trên địa bàn thành phố; sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động, phối hợp hỗ trợ các địa phương triển khai sơ tán nhân dân, tổ chức cứu nạn người, tài sản tại các khu vực bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ. Công an các đơn vị, địa phương nhanh chóng rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị; tổ chức đánh giá các khu vực nguy hiểm, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, nhất là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, ngập sâu và kiên quyết di dời, sơ tán ngay người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Kiên quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở; sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Để chủ động thực hiện các phương án, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra và duy trì liên lạc thường xuyên với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố.
Quảng Nam lên phương án di dời hơn 400.000 người
Chiều 25-9, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, tổng số tàu cá đang hoạt động trên biển là 111 tàu/2.788 lao động. Các tàu đã nhận được thông báo về bão số 4. Hiện tàu cá hoạt động gần bờ là 14 tàu/82 lao động và tàu hoạt động xa bờ là 97 tàu/ 2.696 lao động, trong đó khu vực Hoàng Sa là 44 tàu/497 lao động; khu vực Trường sa là 53 tàu/2.199 lao động. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã khẩn trương kêu gọi những tàu còn đang hoạt động ngoài biển vào tránh trú bão nhằm đảm bảo an toàn.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam giúp người dân chằng chống nhà cửa tại đảo Cù Lao Chàm.
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho hay, các địa phương vùng trung du và ven biển trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất thu hoạch vụ lúa hè thu, riêng một số huyện vùng núi vẫn còn 569ha diện tích lúa nước và 3.501ha diện tích lúa rẫy chưa thu hoạch. UBND tỉnh đã có chỉ đạo tập trung thu hoạch sớm diện tích lúa đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” tại Công điện số số 01/CĐ-UBND ngày 24-9. Đối với nuôi trồng thủy sản, hiện tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh là 8.050ha (4.950ha nước ngọt, 3.100ha nước mặn/lợ), trong đó nuôi thủy sản lồng/bè là 2.910 lồng. Đến nay đã thu hoạch khoảng 85%, số còn lại vẫn đang tiếp tục thu hoạch để tránh bão. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đã xây dựng các phương án ứng phó cụ thể cho từng tình huống. Đồng thời, tỉnh cũng đã lên phương án di dời người dân và du khách đối với 2 tình huống là bão mạnh và siêu bão. Đối với tình huống bão mạnh, tỉnh sẽ tổ chức di dời 182.280 người, trong đó di dời tại chỗ 57.753 người; sơ tán 124.700 người. Đối với tình huống là siêu bão, tổ chức di dời 401.901 người, trong đó di dời tại chỗ 111.470 người; sơ tán 290.585 người.
Các ngành chức năng TP Hội An gia cố bờ kè Cửa Đại nhằm tránh sạt lở do ảnh hưởng của bão số 4.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, số phương tiện còn đang hoạt động trên biển là 657 tàu/6.207 ngư dân; các phương tiện này đã nhận được thông tin cảnh báo của Bộ đội Biên phòng và cơ quan chức năng. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có gần 4.930 tàu thuyền đã vào nơi neo đậu tránh trú, trong đó có gần 1.000 tàu cá neo đậu tại 5 cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền của tỉnh là Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Mỹ Á, Sa Huỳnh và Lý Sơn. Hiện Ban quản lý Các cảng cá tỉnh đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị kêu gọi tàu thuyền và giúp đỡ ngư dân neo đậu, giằng néo tàu thuyền đúng kỹ thuật, đúng nơi quy định, nhằm hạn chế thiệt hại do phương tiện va đập khi có sóng to gió lớn.
Quảng Trị, sẵn sàng phương án cho các vùng dân cư bị cô lập
Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị, tính đến chiều 25–9, tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh là 2.302 chiếc với 6.136 thuyền viên đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão Noru. Trong đó 2.293 tàu neo đậu tại các bến của tỉnh, 9 tàu còn lại cũng đang di chuyển đến nơi trú đậu an toàn. Tàu thuyền ngoại tỉnh 9 chiếc với 72 lao động cũng đã kịp thời vào neo đậu tránh bão trên địa bàn Quảng Trị. Về tình hình hồ đập, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 2 đập và 124 hồ chứa, trong đó có 14 hồ chứa lớn, 1 đập lớn. Hiện tổng dung tích các hồ chứa trọng điểm đạt trung bình khoảng 45,60% so với dung tích thiết kế.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị không lơ là, chủ quan trước mọi tình huống thiên tai; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của bão, mưa lũ, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các huyện ven biển phối hợp BĐBP Quảng Trị, Chi cục Thủy sản, Cảng vụ Hàng hải quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự xã hội, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu khẩn trương triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản ở huyện đảo Cồn Cỏ và lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch ở huyện đảo Cồn Cỏ, công trình đang thi công trên biển, ven biển. Khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, công sở, các khu công nghiệp; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện… Chính quyền các địa phương đặc biệt chú ý các điều kiện an toàn, phòng chống tai nạn thương tích khi gia cố nhà ở, các công trình, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc khi bão chưa đổ bộ hoặc bão đã đi qua. Khi có lệnh, chính quyền cơ sở nhanh chóng sơ tán dân, đảm bảo an toàn tại các địa điểm tiếp nhận dân đến trú tránh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các cơ quan đảm bảo an toàn các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt. Lực lượng công an chủ trì kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nơi dễ sạt lở đất...; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Chính quyền các huyện có khu dân cư ở vị trí xung yếu khẩn trương kiểm tra, rà soát công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở cấp cơ sở, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ, không để người dân phải chịu cảnh đói rét, thiếu ăn trong mọi tình huống.
Nghệ An, nhiều hồ chứa chủ động xả lũ
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão Noru, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã; các sở, ngành và cơ quan liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách ứng phó. Cùng với việc quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương được yêu cầu chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt. Đối với các khu vực dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, chính quyền cơ sở phải sẵn sàng phương án tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá trên sông, suối, hạ lưu hồ, đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người...
Trong ngày 25-9, nhiều đơn vị thủy điện tại Nghệ An cũng ra thông báo vận hành xả lũ hồ chứa. Trong đó, Cty cổ phần PRIME Quế Phong, huyện Quế Phong dự kiến vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Châu Thắng với lưu lượng xả dự kiến, từ 76m3/s - 400 m3/s. Cty cổ phần Thủy điện Hủa Na dự kiến vận hành xả nước điều tiết hồ chứa Thủy điện Hủa Na với lưu lượng xả dự kiến khoảng 261m3/s. Công ty cổ phần Thủy điện Quế Phong dự kiến xả nước hồ chứa thủy điện Bản Cốc với lưu lượng xả từ 11m3/s - 120m3/s.
SIÊU BÃO NORU NHẰM VÀO ĐÀ NẴNG - BÌNH ĐỊNH
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 19 giờ ngày 25-9, vị trí tâm bão Noru ở trên khu vực phía Đông Nam đảo Luzon (Phillipines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ),giật cấp 16.
Dự báo, đến 19 giờ ngày 26-9, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.
Đến 19 giờ ngày 27-9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền Đà Nẵng-Bình Định khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17.
Đến 19 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão ở trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Nhóm P.V thời sự
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/mien-trung-khan-truong-ung-pho-bao-noru-post267233.ht