Mưa bão đến, miền Trung nơm nớp nỗi lo sạt lở đất

Đăng ngày: 10-09-2021 | Lượt xem: 2155
Thiên tai năm cũ chưa khắc phục xong, bây giờ người dân miền Trung lại nơm nớp nỗi lo sạt lở đất mới khi mùa mưa bão đã đến.

Mùa mưa bão năm ngoái, trên địa bàn các tỉnh miền Trung xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đất, vùi lấp nhiều bản làng, phá hủy hàng trăm công trình thủy lợi, giao thông. Cho đến nay, nhiều công trình hư hỏng vẫn chưa khắc phục xong. Nhiều công trình xây dựng bị đe dọa bởi nguy cơ sạt lở núi. Trong khi đó, do tập trung phòng chống dịch Covid-19, hạn chế đi lại nên nhiều công trình chậm tiến độ hoặc tiếp tục thiếu kinh phí sửa chữa. Hậu quả thiên tai năm cũ chưa khắc phục xong, bây giờ người dân miền Trung lại nơm nớp nỗi lo sạt lở đất mới khi mùa mưa bão đã đến.

Sau trận sạt lở núi năm ngoái, tại huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, hệ thống giao thông đã bị phá hủy gần như hoàn toàn vẫn chưa khắc phục xong

Huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề trong các đợt mưa bão năm ngoái. Toàn bộ hệ thống giao thông, thủy lợi gần như bị phá hủy hoàn toàn. Một năm qua, địa phương chỉ đủ sức đầu tư xây dựng 5 khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở, còn hạ tầng giao thông chưa khắc phục được. 3 tuyến huyết mạch kết nối 4 xã vùng cao Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc, Phước Công của huyện Phước Sơn vẫn còn nhiều điểm sạt lở, việc sửa chữa hư hỏng gần như giẫm chân tại chỗ. Mưa bão đã tới, người dân lo sợ khi phải đi lại trên những cung đường nguy hiểm này.

Ông Hồ Văn Côi, ở xã Phước Thành, huyện Phước Sơn cho biết, người dân luôn sống trong tâm trạng lo lắng khi mưa lũ ập xuống.

Mùa mưa bão đang tới nhiều ngôi nhà ở miền núi Quảng Nam vẫn chênh vênh bên bờ sạt lở

“Mong nhà nước quan tâm sửa chữa cho bà con xong đường để bà con đi qua lại cho thuận tiện”, ông Hồ Văn Côi cho hay.
Trong các đợt mưa bão năm ngoái, tỉnh Quảng Nam thiệt hại hơn 10 ngàn tỷ đồng, xấp xỉ một nửa tổng thu ngân sách trong năm 2020 của địa phương này. Trung ương đã hỗ trợ 450 tỷ đồng để tái thiết sau thiên tai. Tuy nhiện, do vướng các thủ tục đầu tư công, việc giải ngân nguồn vốn cấp bách này rất chậm nên công tác khắc phục các công trình giao thông huyết mạch tại miền núi Quảng Nam rất chậm.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, kinh phí cần để khắc phục các tuyến đường hư hỏng hơn 300 tỷ đồng, nhưng Chính phủ mới hỗ trợ 25 tỷ đồng.

“Trước tình hình mưa bão sắp đến, chúng tôi xây dựng các phương án bố trí các loại phương tiện, trang thiết bị để sẵn sàng ứng cứu khắc phục khi có các tình huống xảy ra là chúng ta có thể cơ động để giải quyết. Đồng thời các phương án dự trữ lương thực tại chỗ cũng phải được hoàn thành. Các điểm để phục vụ cho bãi đáp trực thăng khi có tình huống phải sử dụng đến lực lượng này, địa phương đã triển khai xây dựng và hoàn thành trước 30/9”, ông Lê Trí Thanh thông tin.

Một cây cầu ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam bị lũ cuốn trôi năm ngoái chưa được sửa chữa

Tỉnh Quảng Trị hiện có 30 xã, thị trấn đang đối mặt với nguy cơ rất cao từ lũ ống, lũ quét, chủ yếu ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Ngoài ra, Quảng Trị cũng đã khoanh vùng 27 xã, thị trấn có nguy cơ sạt lở núi khi xảy ra mưa bão. Trong khi đó, các dự án công trình xây dựng tại miền núi tiếp tục tác động bất lợi, gây sạt lở đất.

Vùng miền núi Hướng Hóa và Đakrông hiện có 26 dự án điện gió đang đồng loạt triển khai thi công, người dân đứng ngồi không yên. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cho thấy, quá trình thi công các công trình này đã làm nhiều vị trí mất ổn định mái dốc, việc đào bới, thải đất đá làm thay đổi địa hình, cản trở khả năng tiêu thoát nước mặt. Đặc biệt, các bãi thải của nhiều dự án có nguy cơ sạt trượt cao gây tắc nghẽn, thay đổi dòng chảy, dễ gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất bất ngờ, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.

Nỗi lo sạt lở đất từ các dự án điện gió ở miền núi tỉnh Quảng Trị

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh yêu cầu chủ đầu tư có phương án xử lý những bãi thải có nguy cơ gây sạt lở đất.

“Trong mùa mưa bão này, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tỉnh đi kiểm tra, giám sát để phòng tránh giảm nhẹ thiên tai. Các nhà đầu tư cam kết, không làm thay đổi môi trường vùng xung quanh, không ảnh hưởng giao thông đi lại, hoạt động của người dân. Nếu dự án ảnh hưởng đến sạt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, dự án đó phải dừng lại để xem xét đánh giá một cách thấu đáo”, ông Hà Sỹ Đồng chia sẻ.

Thi công Dự án điện gió và nguy cơ sạt lở đất ở miền núi Quảng Trị trong mùa mưa bão

Mưa bão đang uy hiếp cuộc sống người dân miền Trung. Trong lúc này, tình trạng mất an toàn hồ chứa đã xuất hiện ở nhiều nơi. Hầu hết hồ chứa, đập dâng tại khu vực này được xây dựng từ những năm 1980 đến nay đã xuống cấp trầm trọng, không bảo đảm an toàn. Tỉnh Quảng Bình hiện có 153 hồ chứa, 193 đập dâng thủy lợi, trong đó có hơn 50 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp.

Hồ thủy lợi Rào Đá, tỉnh Quảng Bình vừa được gia cố các điểm xói lở trong đợt mưa bão năm ngoái

Ông Trần Xuân Tiến, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình cho biết, đối với các hồ, đập đã bị sự cố trong các mùa mưa lũ trước hoặc có nguy cơ mất an toàn, các địa phương phải huy động các nguồn lực để khẩn trương khắc phục, hàn khẩu tạm; chuẩn bị phương án ứng phó để kịp thời ứng cứu tình huống xấu có thể xảy ra.

Hồ thủy lợi Rào Đá, hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Quảng Bình

“Vừa rồi tỉnh đã đi kiểm tra, rà soát và đôn đốc các địa phương xem xét gia cố để đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ. Trong dịch thì cũng gặp khó khăn, tuy nhiên trong công tác vận hành, quản lý thì buộc phải thực hiện phương châm 4 tại chỗ, các chủ đập phải bố trí lực lượng theo dõi, kiểm tra, giám sát”, ông Trần Xuân Tiến cho hay./.

Theo VOV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: