Nam Định: Đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa bão

Đăng ngày: 19-07-2020 | Lượt xem: 2051
Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa bão, tỉnh Nam Định đã tập trung đánh giá hiện trạng đê điều và lên phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm.

Tu sửa đê kè Hải Thịnh (huyện Hải Hậu). Ảnh: Mai Chiến.

Theo Sở NN-PTNT Nam Định, thời gian qua, đơn vị thường xuyên tổ chức kiểm tra, tham mưu xử lý khắc phục kịp thời các sự cố sập, sạt lở đê điều do mưa, triều cường, bão gây ra. Phối hợp với các địa phương tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, tổng hợp vi phạm, kết quả xử lý, đôn đốc xử lý giải tỏa vi phạm pháp luật đê điều ở các huyện.

Xây dựng hoàn thiện báo cáo đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước mùa lũ bão; phương án hộ đê, hộ đê toàn tuyến năm 2020; xây dựng bản đồ trọng điểm phòng chống lụt bão năm 2020. Thu thập dữ liệu đê điều bằng máy flycam tại 26 trọng điểm phòng chống lụt bão.

Ông Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho hay, toàn tỉnh có 663 Km đê và 8 Km đê biển Cồn Xanh. Trong đó, đê từ cấp I - cấp III dài 365km (đê biển 91Km, đê song 274Km); đê dưới cấp III dài 298Km.

Có 160 Km kè bảo vệ các tuyến đê sông và đê biển; 219 cống qua đê cấp I đến cấp III, có 63 cống qua đê dưới cấp III. 31 bối, trong đó có 28 bối có dân và 3 bối không có dân. Một số Bối lớn như bối Đồng Tấm, Yến Đồng - Yên Trị, Hồng Long, Hồng Hà, Thắng Thịnh…

Cũng theo ông Việt, đơn vị đã kết hợp với các cơ quan liên quan, địa phương kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình đê điều trước mùa lũ, bão năm 2020.

Tổng hợp các trọng điểm, vị trí xung yếu đê, kè, cống. Có tổng cộng 26 trọng điểm, trong đó có 3 trong điểm cấp tỉnh là Hải Thịnh 3, Hữu Ninh K28+150-K40+580, Đê kè Quy Phú và 23 trọng điểm cấp huyện.

“Hiện đơn vị đã xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm, vị trí xung yếu đê, kè, cống. Xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến - tìm kiếm cứu nạn trong mùa lũ bão năm 2020.

Lập danh mục, đề xuất đầu tư nâng cấp các hạng mục công trình đê điều xuống cấp để đảm bảo an toàn đê điều trong mùa lũ, bão. Tuy nhiên do khó khăn về kinh phí nên việc đầu tư nâng cấp vẫn chưa đáp ứng được thực tế xuống cấp của các công trình đê điều”, ông Việt nói.

Ông Việt cho biết thêm, để chủ động đối phó với các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, đơn vị đã kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp, phân công nhiệm vụ, phụ trách địa bàn đối với các thành viên Ban chỉ huy.

Xây dựng, củng cố lực lượng xung kích PCTT tại cấp xã, là lực lượng tại chỗ để thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN theo kế hoạch và phương án PCTT&TKCN cấp cơ sở.

Rà soát, thống kê nhà tạm, nhà yếu, số nhân khẩu sơ tán dân ứng với các cấp độ bão, lũ. Xây dựng kế hoạch huy động nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm dự trữ phục vụ PCTT&TKCN.

Rà soát, xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của từng Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Rà soát, xây dựng phương án ứng phó với các loại hình thiên tai, các cấp độ rủi ro thiên tai; phương án sơ tán dân ở các vùng bối, bãi; phương án bảo vệ các dự án, công trình đang thi công; phương án chống úng để bảo vệ lúa vụ mùa…

Ngoài ra, việc duy trì chế độ trực PCTT cũng rất quan trọng. Các kế hoạch, phương án được xây dựng theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm nâng cao hiệu quả của công tác ứng phó thiên tai, đặc biệt là khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu khi có sự cố xảy ra.

Đê Trực Ninh đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Ảnh: Mai Chiến.
 

Đê Trực Ninh đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Ảnh: Mai Chiến.

Huyện Trực Ninh nằm ở phía đông nam tỉnh Nam Định, trên địa bàn huyện có 43,3 Km đê sông chính và 6,8 Km đê bối. Trong đó, đê hữu sông Hồng dài 6,4 Km; đê hữu sông Ninh dài 23,5 Km; đê tả sông Ninh dài 13,3 Km.

Hạt trưởng Hạt quản lý đê Trực Ninh, ông Đặng Quốc Hương thông tin: Hiện nay, mặt đê đã được bê tông hóa, nhựa hóa là 28,4 Km; còn lại 14,9 Km mặt đê đã được rải đá cấp phối.

Qua kiểm tra thực tế, UBND huyện đã đưa ra các vị trí trọng điểm như: Kè Phượng Tường K6+067 - K6+347; kè Trực Thanh K16+650 - K16+950; kè Đò Mới K19+755 - K20+110.

Vị trí xung yếu như: Đê bối Trực Chính và Phương Định; cống Đá K10+651 Đê Hữu Ninh; cống Phú An K13+042 Đê Hữu Ninh; cống Sa Đê K20+311 Đê Hữu Ninh; cống số 20 thuộc Đê bối xã Phương Định.

Hiện, HQL đê Trực Ninh đã phối hợp với UBND huyện Trực Ninh xây dựng đề án phòng chống thiên tai; thành lập Ban chỉ huy PCTT, giao quyết định đê điều, án phận (ranh giới) cho các xã, thị trấn trong huyện. Xây dựng đề án di dân vùng bối, phương án bảo vệ toàn tuyến đê…

“Vừa qua, UBND huyện đã tổ chức diễn tập về công tác phòng chống tiên tai năm 2020 trên địa bàn”, ông Hương nói thêm.

Theo nongnghiep.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: