Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ngày 30/7 Tổng cục Phòng chống Thiên tai (Bộ NN&PTNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt.
Hội nghị với 22 điểm cầu trên cả nước đã thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương không chỉ về các kỹ thuật về phòng chống thiên tai mà còn bao gồm cả các vấn đề cập nhật về quy phạm, pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.
Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai cho biết, năm 2019, thiên tai bão lũ tuy không diễn ra dồn dập, khốc liệt nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn, cộng cả yếu tố cực đoan dị thường khắp các vùng miền. Cả năm 2019, thiên tai đã khiến 133 người chết, tổng thiệt hại khoảng 7.000 tỷ đồng.
7 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 202 trận dông, lốc, mưa lớn; 1 cơ bão; 9 trận lũ quét, sạt lở đất; 24 trận động đất; 12 trận mưa lớn, ngập úng, lũ cục bộ; hạn hán xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển. Thiên tai đã làm 53 người chết, 137 người bị thương. Ước tính thiệt hại khoảng 4.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngày 20-21/7/2020, mưa lớn tại tỉnh Hà Giang lên tới 350 mm trong vòng 10 tiếng đã gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng cho địa phương này, gây thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng.
Theo ông Thành, việc nhìn nhận và đánh giá kỹ thuật phòng, chống thiên tai, nhất là trong việc quản lý đê điều tại các tỉnh, thành phố là việc làm cần thiết. “Thực tiễn cho thấy, ở nơi nào các lực lượng làm công tác đê điều có kinh nghiệm, nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao, phát hiện, báo cáo và xử lý kịp thời ngay từ đầu các sự cố hư hỏng của đê điều, chỉ đạo, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” thì sẽ hạn chế được thiệt hại do lũ, bão gây ra”, ông Thành nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Công Tuyên (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều) cho biết, hiện nay hệ thống đê điều nước ta có nhiều khu vực xung yếu, trên các tuyến đê từ cấp 3 đến đặc biệt còn gần 400 km đê thiếu cao trình; 683 km đê mặt cắt còn nhỏ; 160 km đê thường bị đùn sủi, thẩm lậu; 459 cống cũ, hư hỏng; 158 km kè sạt lở, hư hỏng; 230 vị trí trọng điểm xung yếu.
Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Năm 2019 tuy không có lũ lớn trên các tuyến sông có đê, nhưng hệ thống đê điều cũng xảy ra 40 sự cố, trong đó có những sự cố nghiêm trọng uy hiếp đến an toàn đê như: Sạt lở đê tả Thao tại xã Bản Nguyên, Lâm Thao, Phú Thọ; sạt lở kè Bầu, đê tả Thương, Bắc Giang; nứt đê tả Đáy, tỉnh Hà Nam, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long...
Theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, dự báo, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong nửa cuối năm 2020 có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Cụ thể: Có khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5 đến 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam trong những tháng cuối năm 2020.
Đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc; gió mạnh trên biển do tác động gió mùa Tây Nam vào thời kỳ tháng 8/2020 ở vùng biển phía nam Biển Đông; gió Đông Bắc mang không khí lạnh trên khu vực phía bắc Biển Đông vào tháng 12/2020.
Trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ trung bình tháng 8, tháng 9/2020 phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,00C. Các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 8/2020 ở khu vực Bắc, Trung Trung Bộ và đầu tháng 8/2020 ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng không gay gắt. Không khí lạnh có khả năng ảnh hưởng sớm, nền nhiệt trung bình mùa Đông năm 2020-2021 thấp hơn so với mùa Đông năm 2019-2020.
Theo baochinhphu.vn