Ngay từ đầu mùa mưa bão hằng năm, căn cứ tình hình thực tế, năng lực ứng phó theo lĩnh vực quản lý, Sở GTVT đã thành lập, kiện toàn ban chỉ huy, lập phương án PCTT&TKCN. Đồng thời, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị để triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án đã lập. Bố trí vật tư, thiết bị phòng chống lụt bão trên một số tuyến giao thông trọng điểm. Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ ký hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị, cá nhân có phương tiện, thiết bị (máy xúc, ô tô, máy ủi...) tại địa bàn, trên các tuyến giao thông trọng điểm để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai gây ra. Do đó, Sở GTVT đã chủ động ứng phó với các tình huống và kịp thời khắc phục các hậu quả do thiên tai gây ra. Năm 2018, mưa lũ đã làm sạt lở đất đá với khối lượng hơn 1,2 triệu m3 (làm tắc đường hơn 300 vị trí, sạt taluy âm 137 vị trí, đứt đường 18 vị trí) trên các tuyến đường ở khu vực miền núi (chủ yếu thuộc địa bàn 6 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân). Tổng kinh phí khắc phục hậu quả lụt bão (bước 1, bước 2) trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh đã được phê duyệt là 231,639 tỷ đồng (trong đó quốc lộ 152,079 tỷ đồng, đường tỉnh 79,56 tỷ đồng). Quá trình khắc phục, bảo đảm giao thông bước 1 gặp nhiều khó khăn do khối lượng hư hỏng lớn (nhiều vị trí chỉnh tuyến taluy dương, xử lý taluy âm, cầu cống), đòi hỏi giải pháp kỹ thuật phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng, dàn trải; nhất là khu vực miền núi, địa hình khó khăn, vật tư, lao động khan hiếm phải huy động từ khu vực xa, vận chuyển khó khăn, thời tiết không thuận lợi cho thi công, công tác khắc phục, bảo đảm giao thông bước 1 nhưng không có kinh phí để giải phóng mặt bằng. Hiện UBND tỉnh đã báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí khoảng 267 tỷ đồng để tiếp tục khắc phục, sửa chữa hư hỏng các công trình giao thông do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh.
Đi đôi với việc khắc phục hậu quả thiên tai năm 2018, Sở GTVT đang chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ trên địa bàn huy động nhân lực, phương tiện khơi thông cống rãnh để thoát nước, phát cây, rãy cỏ, vá ổ gà; sửa chữa, xử lý sình lầy nền, mặt đường; sửa chữa những hư hỏng như mố, trụ cầu, cống, đường ngầm, tràn, tường chắn; sơn, chỉnh sửa, cắm bổ sung cọc tiêu, biển báo hiệu đường bộ; cột thủy trí ở những đoạn đường, các ngầm, tràn thường bị ngập nước. Đồng thời, chuẩn bị phương tiện, nhân lực, vật tư, thiết bị, máy cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông tại các vị trí, lý trình, đoạn tuyến xung yếu hay xảy ra ngập lụt, sụt trượt trên các tuyến đường, xong trước mùa mưa bão. Chủ động lập phương án phân luồng, cảnh giới giao thông cho người, các phương tiện trong trường hợp xảy ra ách tắc giao thông do sạt lở, sụt trượt, ngập lụt gây nguy hiểm trên các tuyến đường đơn vị quản lý. Chuẩn bị phương tiện, nhân lực, vật tư, thiết bị máy cần thiết để kịp thời khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông và sẵn sàng tham gia ứng cứu các sự cố thiên tai khi có lệnh điều động. Lập kế hoạch sử dụng các loại phương tiện, máy, thiết bị và vật tư vật liệu của đơn vị mình hoặc ký hợp đồng với các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn để huy động cho công tác PCTT&TKCN năm 2019. Các đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường thủy nội địa xây dựng kế hoạch bảo quản, dời chuyển, quản lý phao tiêu, báo hiệu; kiểm tra, phát hiện chướng ngại vật, khu vực chuyển luồng để có báo hiệu hướng dẫn kịp thời; bảo dưỡng các phương tiện, thiết bị tàu, ca nô, phao.
Ban quản lý dự án và các đơn vị đang tham gia thi công các công trình cầu, đường trên địa bàn tỉnh phải xây dựng phương án PCTT, bảo đảm giao thông cho các công trình đang thi công. Có trách nhiệm khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra ở khu vực công trình đang thi công và chịu trách nhiệm đảm bảo giao thông, phân luồng, cảnh giới giao thông trong trường hợp xảy ra ách tắc do sạt lở, sụt trượt, ngập lụt gây nguy hiểm trên đoạn tuyến đang thi công. Kỹ sư Doãn Quang Thắng (Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung), Chỉ huy công trường thi công đường giao thông ven biển qua TP Sầm Sơn, cho biết: Đơn vị đã xây dựng, triển khai phương án PCTT&TKCN đối với công trình đang thi công. Bảo đảm phương tiện, nhân lực, vật tư, thiết bị, xe, máy theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời khắc phục hậu quả và sẵn sàng tham gia ứng cứu các sự cố thiên tai khi có lệnh điều động.
Đối với các đơn vị vận tải đường bộ cũng đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nhân lực, phương tiện vận tải hành khách, vận tải hàng hóa hoạt động tốt, sẵn sàng tham gia ứng cứu các sự cố thiên tai khi có lệnh điều động. Các đơn vị vận tải đường thủy xây dựng, triển khai kế hoạch PCTT, thông tin liên lạc phải liên tục thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động kịp thời tránh trú đến nơi an toàn. Đồng thời, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, thiết bị, nhiên liệu cho tàu, thuyền để sẵn sàng tham gia ứng cứu các sự cố thiên tai khi có lệnh điều động. Ngoài ra, các đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ và các đơn vị đang thi công, cải tạo nâng cấp, sửa chữa các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh, cũng đã chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị máy dự phòng tại các vị trí, lý trình, đoạn tuyến xung yếu hay xảy ra sạt lở, sụt trượt, ngập lụt. Sở GTVT yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc duy trì chế độ trực thông tin liên lạc, bảo đảm thông suốt, kịp thời bằng mọi hình thức, trong mọi điều kiện theo quy định của công tác PCTT&TKCN.
Để bảo đảm công tác PCTT có hiệu quả, yêu cầu các đơn vị phải hoàn thành các nhiệm vụ chuẩn bị trong công tác PCTT&TKCN theo phương án của đơn vị mình và nhiệm vụ được giao trước mùa mưa bão. Đồng chí Lý Văn Thích, Trưởng Phòng Quản lý giao thông, Sở GTVT, cho biết: Khi có thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Sở GTVT, ban chỉ huy PCTT&TKCN các đơn vị trực thuộc thường trực 24/24 giờ để theo dõi tình hình diễn biến, bảo đảm chế độ thông tin liên lạc kịp thời để chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, tổ chức điều động nhân lực, phương tiện, thiết bị cứu người, bảo vệ tài sản; gia cố, sửa chữa ngay các hư hỏng để giảm nhẹ thiệt hại. Có biện pháp phân luồng, báo hiệu, phong tỏa, cảnh giới khu vực các tuyến đường, cầu... bị hư hỏng, ngập lụt gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông để bảo đảm an toàn giao thông và báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại, phương án và kết quả khắc phục hậu quả về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Sở GTVT và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Phối hợp với các đơn vị, cá nhân liên quan để điều động các loại thiết bị, xe, máy, phương tiện vận tải người và hàng hóa cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan để ứng cứu các nơi cần thiết như đắp đê, đào đất sụt, di dân, cứu hộ, vận chuyển lương thực, thực phẩm... trước, trong và sau các đợt thiên tai nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo baothanhhoa.vn