Trong thời gian vừa qua, nắng nóng kéo dài, hạn hán xảy ra trên toàn tỉnh, nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt là cây lúa, chè và các loại cây ăn quả. Với đặc thù hàng năm Nghệ An thường bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ, ngập úng nên năm nay sau nắng nóng diễn biến thời tiết rất khó lường.
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, thời tiết vụ đông 2020 sẽ rất phức tạp, mưa bão có khả năng gia tặng hơn từ 9-12/2020. Trong những tháng cuối năm dự kiến có khoảng 1-2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Trung Bộ. Từ tháng 7-9/2020 nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,5-12 độ C, các đợt nắng nóng tiếp tục xẩy ra trong tháng 8/2020.
Trồng ngô vụ đông, vừa cung cấp sinh khối cho các trang trại, vừa phục vụ chăn nuôi nông hộ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Đệ, GĐ Sở NN-PTNT Nghệ An nhấn mạnh: “Các địa phương và ngành thủy lợi phải tính toán, xây dựng phương án sản xuất cụ thể tùy vào điều kiện thực tế, có phương án chủ động tiêu úng cục bộ cho cây trồng. Để vừa giảm thiểu được các thiệt hại do thiên tai vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế. Cần có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, đồng thời liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhân rộng các mô hình hiệu quả, các quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển các sản phẩm nông sản lợi thế của từng địa phương gắn với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho người dân”.
Ngô sinh khối trên vùng bãi ven biến Diễn Châu.
Vụ Đông năm nay của Nghệ An khác với nhiều năm trước, diện tích đất lúa và màu vụ Hè Thu không sản xuất được vì hạn hán, nên một số nơi nông dân sẽ bước vào vụ đông sớm hơn và diện tích được mở rộng. Tập trung chủ yếu là cây ngô với diện tích 21.500 ha và các loại rau với 12.500 ha.
Đẩy mạnh sản xuất ngô theo hướng sinh khối cung cấp nguyên liệu cho các trang trại và phát triển chăn nuôi nông hộ, mục tiêu gieo trồng 5.000 ha ngô sinh khối. Trồng ngô hướng sinh khối giúp linh hoạt về thời vụ, do thời gian thu hoạch sau gieo trồng chỉ dao động từ 85 - 95 ngày. Ngoài ra ít rủi ro hơn trước điều kiện thời tiết bất lợi, kể cả kết hạt kém hay đổ ngã cũng có thể bán được, tuy giá không cao nhưng không đến mức mất trắng.
Tập trung các giống ngô có sinh khối lớn, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí thu mua của các trong trại TH trueMilk, VinaMilk như các giống P4311, P4199,… để đảm bảo đầu ra và hiệu quả kinh tế cho nông dân trồng ngô. Đối với cây rau, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng công nghệ cao đảm bảo sản phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt đẩy mạnh mở rộng diện tích rau các loại, nhất là các cây rau mang lại giá trị cao.
Hàng năm, nhờ điều kiện thuận lợi đất đai và tiểu khí hậu, huyện Diễn Châu là huyện có thể sản xuất cây vụ đông sớm nhất tỉnh, đặc biệt cây ngô đông tại Diễn Châu là nguồn cung cấp một lượng lớn nguồn thức ăn cho các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Do các vùng trồng ngô chính là vùng đất bãi ven sông Lam, sông Con, sông Hiếu phải đợi qua mùa mưa lũ ngập, từ khoảng tháng 9, 10 mới xuống giống.
Ông Phan Văn Hà, GĐ HTX Diễn Hùng cho biết: “Diễn Hùng là xã trồng nhiều ngô nhất huyện, trong đó trên 90% diện tích trồng lấy sinh khối. Trồng ngô sinh khối vừa hiệu quả kinh tế, vừa rút ngắn thời vụ để kịp gieo trồng lạc xuân, đặc biệt giúp giải quyết khủng hoảng thiếu nguồn thức ăn mùa giáp hạt cho các trang trại. Do các trang trại bò trên trên địa bàn tỉnh không thu mua ngô biến đổi gen, nên chúng tôi chỉ tập trung vào các giống ngô lai thường như P4311 để đảm bảo đầu ra cho nông dân”.
Theo nongnghiep.vn