Ðơn vị chuyên môn chặt tỉa cây xanh trên vỉa hè quận Ninh Kiều, hạn chế đổ ngã trong mùa mưa bão.
Từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn quận Ninh Kiều đã xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, gây ngập nghẹt đường phố, ảnh hưởng an toàn giao thông. Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận Ninh Kiều (Ban Chỉ huy), nguyên nhân gây ngập đường phố khi mưa lớn là do rác thải che lắp miệng hố ga, khiến nước thoát chậm, gây ngập nghẹt; đồng thời, nhiều tuyến đường trong nội ô quận Ninh Kiều có hệ thống cống thoát nước nhỏ hẹp, khi mưa lớn nước thoát không kịp gây ngập đường giao thông… Từ đầu năm 2022, tình hình mưa giông không hư hại nhà cửa, cây xanh trên địa bàn quận Ninh Kiều. Tuy nhiên, mưa lớn xuất hiện thường xuyên gây ngập sâu các tuyến đường, như Trần Hưng Ðạo, Trần Văn Hoài, Ngô Quyền, Nguyễn Văn Cừ, Xô Viết Nghệ Tĩnh… Quận Ninh Kiều cũng huy động lực lượng là đoàn viên thanh niên, xung kích, dân quân tự vệ tổ chức vớt rác, khai thông hố ga, hạn chế ngập nghẹt. Bên cạnh đó, đơn vị chức năng cũng thường xuyên nạo vét, khai thông cống rãnh thoát nước trên địa bàn.
Trong năm qua, quận Ninh Kiều đã xảy ra nhiều đợt triều cường dâng cao vào các tháng 8, 9 và 10 âm lịch. Ðợt ngập sâu nhất là vào giữa tháng 9 âm lịch, xấp xỉ mức báo động III (2m), làm ngập các tuyến đường nội ô quận Ninh Kiều, cục bộ có những nơi ngập sâu 0,4-0,6m, gây ảnh hưởng lớn đến giao thông. sinh hoạt của người dân…
Quận Ninh Kiều đã củng cố, kiện toàn đơn vị PCTT-TKCN các cấp, đảm bảo về số lượng và chất lượng; phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể cho từng thành viên ban chỉ huy và chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn triển khai nhiệm vụ khi có sự cố thiên tai xảy ra. Trong những tháng mưa bão sắp tới, UBND quận, Ban Chỉ huy quận yêu cầu UBND các phường và người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng tránh thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Chỉ huy quận Ninh Kiều, cho biết: yêu cầu cấp bách trong mùa mưa bão là công tác PCTT-TKCN phải được tiến hành chủ động và thường xuyên, đồng thời ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận trong hoạt động PCTT-TKCN, chủ động rà soát các điểm có nguy cơ cao về sạt lở, cây xanh đổ ngã để xây dựng các phương án ứng phó kịp thời, có hiệu quả; kiên quyết di dời các hộ dân sinh sống ven sông có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư...
Nhiệm vụ mà Ban Chỉ huy quận Ninh Kiều yêu cầu phòng, ban chức năng nghiệm túc thực hiện: đẩy nhanh tiến độ nạo vét bùn, khai thông dòng chảy hệ thống thoát nước trên địa bàn quận (nạo vét bùn trong cống thoát nước, hố ga các trục đường chính và một số tuyến mương thoát nước), đảm bảo thoát nước thông suốt trong mùa mưa và trước các đợt triều cường dâng cao sắp tới. Tổ chức vệ sinh, khai thông dòng chảy, dọn rác tại các miệng thu, hộc thu nước trên các tuyến đường để đảm bảo việc tiêu thoát nước khi có mưa lớn; đề nghị các đơn vị công ích sắp xếp, tăng cường công nhân trực khi có mưa bão, nước dâng cao. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hạng mục thoát nước bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn (nắp hố ga, miệng thu nước, sụp lún cống thoát nước…), kịp thời khắc phục, sửa chữa để đảm bảo tiêu thoát nước và an toàn cho người tham gia giao thông. Tổ chức kiểm tra, cắt tỉa nhánh cây gọn gàng trong mùa mưa; đề xuất xử lý các cây xanh có nguy cơ ngã đổ…
“Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện. Do đó, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận Ninh Kiều cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh. Trong đó, quận Ninh Kiều chú trọng công tác quản lý rủi ro thiên tai, lấy phòng ngừa là chính và bám sát theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện các giải pháp quản lý tổng hợp, đồng bộ theo hệ thống và sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong công tác phòng tránh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và hưởng ứng công tác phòng, chống thiên tai...”, ông Nguyễn Thái Bảo nhấn mạnh.
Bài và ảnh : Hà Văn