Người dân bị thiên tai đã có nơi ở mới
Cho đến bây giờ, người dân xã Trà Leng, huyện Nam Trà My vẫn chưa thể quên những hình ảnh ám ảnh khi các vụ sạt lở đất kinh hoàng xảy ra tại thôn Ông Đề và Tắc Pát hồi cuối tháng 10-2020. Cả ngôi làng biến mất dưới hàng ngàn mét khối đất đá. Hàng chục ngôi nhà, nhiều người dân cùng gia súc, gia cầm bị vùi lấp trong đất đá. Trong phút chốc, hàng chục gia đình lâm vào cảnh tang thương. Đã có 19 người chết và 13 người mất tích. Nhiều đứa trẻ trở thành bơ vơ, con mất cha, vợ mất chồng... Cả làng buộc phải di chuyển đi nơi khác sinh sống.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tình hình sạt lở núi tại địa phương này ngày càng diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Theo thống kê, năm 2017, do mưa lớn, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra 12 vụ sạt lở đất làm 29 người chết và nhiều tài sản bị vùi lấp, hư hỏng. Đến năm 2020, tỉnh Quảng Nam ghi nhận 5 vụ sạt lở đất, ít hơn so với năm 2017, nhưng mức độ thiệt hại nặng nề hơn rất nhiều cả về người và nhà ở. Các vụ sạt lở đất đã làm 30 người chết, 17 người mất tích, trong đó, thôn Ông Đề và Tắc Pát bị “xóa sổ”.
Sau khi xảy ra TT, tỉnh Quảng Nam đã huy động mọi nguồn lực để giúp người dân vùng TT tái thiết cuộc sống. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ sửa chữa và xây dựng nhà tạm đối với những hộ có nhà bị sập, trôi, chưa có mặt bằng ổn định. UBND các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn đã khẩn trương khảo sát, xác định vị trí, lập hồ sơ, thủ tục xây dựng khu tái định cư cho người dân có nhà ở bị trôi, sập hoặc có nguy cơ sạt lở. Trong quá trình thực hiện, chính quyền các địa phương đã lấy ý kiến của người dân, cơ quan khoa học đánh giá địa chất, mức độ an toàn, ổn định, quy mô đầu tư, dự kiến nguy cơ tác động để có giải pháp an toàn tại khu vực xây dựng khu tái định cư.
Đến cuối tháng 4-2021, Khu dân cư Bằng La - Trà Leng đã được bàn giao cho những người dân bị mất nhà cửa do sạt lở đất ở Trà Leng sử dụng. Khu tái định cư này rộng 6ha, phân lô xây nhà và các công trình công cộng. Diện tích mỗi nhà 50,4m2, được xây dựng mô hình nhà sàn truyền thống của đồng bào nơi đây. Ngoài nhà ở, khu tái định cư còn có nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước sinh hoạt và điện.
Việc đưa vào sử dụng khu tái định cư Bằng La - Trà Leng là nỗ lực rất lớn của UBND tỉnh Quảng Nam trong công tác di dời, sắp xếp dân cư sau TT. Được biết, trong giai đoạn 2013-2020, thực hiện Quyết định 1776/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: TT, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Quảng Nam đã bố trí, ổn định được 1.197 hộ dân, trong đó, 670 hộ tập trung và 527 hộ xen ghép. Đồng thời, hỗ trợ di dời nhà trực tiếp cho hộ gia đình thực hiện di dời - tái định cư trong nội vùng dự án với mức hỗ trợ di dời 20 triệu đồng/hộ. Riêng 9 huyện miền núi, từ năm 2013 đến năm 2016, đã tổ chức thực hiện di dời 772 hộ dân vùng TT.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam về sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn 9 huyện miền núi giai đoạn 2017-2020, địa phương này đã bố trí 385 tỉ đồng để thực hiện. Tính đến cuối tháng 9-2020, có 6.462 hộ được sắp xếp di dời chỗ ở, trong đó, có 2.836 hộ dân vùng TT; 1.488 hộ dân tộc thiểu số.
Tiếp tục sắp xếp dân cư ổn định lâu dài
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, tại tỉnh Quảng Nam còn nhiều khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, huyện Nam Trà My có khoảng 15 điểm nguy cơ cao, tập trung tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, Trà Don... Huyện Bắc Trà My có khoảng 30 điểm nguy cơ cao, tập trung tại thị trấn Trà My, xã Trà Bui, Trà Sơn, Trà Giáp, Trà Giác. Huyện Phước Sơn có khoảng 13 điểm nguy cơ cao, tập trung tại thị trấn Khâm Đức, xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước Xuân. Huyện Tây Giang có một số điểm nguy cơ cao, tập trung tại các xã A Tiêng, A Vương, Ch’ơm, Lăng, Dang, Bha Lêê.
Trước nhận định này, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tổ chức di dời, sắp xếp dân cư vùng TT đe dọa, nhất là vùng sạt lở đất tại các địa phương khu vực miền núi. Trong đó, tập trung thực hiện bố trí sắp xếp dân cư ngay tại địa bàn xã, thôn để tránh xáo trộn về đời sống, sản xuất, hình thành các điểm dân cư theo tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, mở rộng các khu dân cư đã có, ưu tiên bố trí xen ghép, bố trí tập trung, hạn chế san ủi mặt bằng làm mất chân núi, gây sạt lở đất.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm tự động tại các khu vực được dự báo có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Tăng cường hệ thống truyền tin, thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thông tin kịp thời đến chính quyền cơ sở, người dân trong vùng TT về diễn biến và giải pháp ứng phó với TT, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên xảy ra TT. Nghiên cứu, thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư, lồng ghép các kế hoạch, biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất đá gây ra.
Nguồn: Báo Biên phòng