Phát huy vai trò của người cao tuổi trong phòng, chống thiên tai

Đăng ngày: 28-09-2021 | Lượt xem: 2901
Hiện nay, gần 60% người cao tuổi ở nước ta trong độ tuổi từ 60 đến 70 tuổi. Đây là độ tuổi còn khỏe, nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là có uy tín trong gia đình và cộng đồng. Nếu phát huy tốt đây sẽ là một trong những lực lượng có đóng góp quan trọng trong việc phòng, chống những rủi ro trong thiên tai.
Hiện nay trong lực lượng phòng, chống thiên tai chưa tận dụng được nguồn lực người cao tuổi ở các địa phương.
 
Tỷ lệ người cao tuổi tham gia công tác phòng, chống thiên tai thấp

Chiều 27/9 tại Hà Nội, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam (HAI) đã tổ chức hội thảo quốc gia theo hình thức trực tuyến về chia sẻ kinh nghiệm và xúc tiến đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Tại hội thảo, bà Lê Thị Thúy Hằng, cán bộ dự án thuộc Tổ chức HAI thông tin, theo báo cáo nghiên cứu, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam do Tổng cục Dân số công bố năm 2019 là 73,6 tuổi (cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới - 72 tuổi).

Năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và tỷ lệ già hóa ngày càng tăng cao, tăng nhanh. Theo số liệu đến năm 2019, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam chiếm 11,9% dân số. Dự báo đến năm 2038, số người cao tuổi tại Việt Nam sẽ có 22,3 triệu người, chiếm 20% tổng dân số.

Phát huy vai trò của người cao tuổi trong phòng, chống thiên tai -0Bà Lê Thị Thúy Hằng, cán bộ dự án thuộc Tổ chức HAI phát biểu tại hội thảo.

 

Theo bà Hằng, Luật Phòng chống thiên tai của Việt Nam năm 2013 nêu rõ các đối tượng dễ bị tổn thương khi có thiên tai là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn thiếu các hoạt động tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực hướng dẫn kỹ thuật cho nhóm hỗ trợ kỹ thuật, Hội Người cao tuổi Việt Nam và các hội người cao tuổi tại địa phương.

“Rất ít hội người cao tuổi tại các địa phương được tham gia vào Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhóm hỗ trợ kỹ thuật các cấp”, bà Hằng nói, mặc dù người cao tuổi thường có rất nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với thiên tai.

Cán bộ của dự án này cho rằng: “Các chính sách, chương trình phòng chống thiên tai hiện nay chủ yếu đề cập đến người cao tuổi như nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, mà chưa tính đầy đủ đến vai trò của hội người cao tuổi tại cộng đồng”.

Cùng quan điểm trên, ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu nhiều rủi ro về thiên tai và biến đổi khí hậu. Mỗi năm phải hứng chịu hàng chục trận bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán,… làm thiệt hại nhiều về người và tài sản. Người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương, dễ gặp rủi ro thiên tai nhưng cũng là một lực lượng có vai trò quan trọng trong phòng, chống thiên tai.

“Gần 60% người cao tuổi ở nước ta hiện nay trong độ tuổi từ 60 đến 70 tuổi. Đây là độ tuổi còn khỏe, nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là có uy tín trong gia đình và cộng đồng. Tổ chức Hội Người cao tuổi Việt Nam đã và đang ngày càng phát triển, đã tập hợp được  hơn 9,7 triệu hội viên. Tổ chức Hội hiện có ở tất cả các cấp, các xã/phường và thôn/bản. Người cao tuổi và Hội Người cao tuổi sẽ có đóng góp nhiều hơn cho công tác phòng chống thiên tai, nếu được tham gia và tạo điều kiện về thông tin, kỹ năng cũng như nguồn lực cần thiết”, ông Phan Văn Hùng chia sẻ.

Phát huy vai trò của người cao tuổi trong phòng, chống thiên tai -0

Hội thảo quốc gia theo hình thức trực tuyến về chia sẻ kinh nghiệm và xúc tiến đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Phát huy được lợi thế của người cao tuổi trong phòng chống thiên tai

Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Tổ chức HAI cho rằng, hiện nay có 2 vấn đề đối với công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Thứ nhất là làm thế nào để phát huy vai trò và sự đóng góp của người cao tuổi, một lực lượng tại chỗ ngày càng tăng, nhất là khi phần lớn người cao tuổi đang thuộc độ tuổi trẻ, có sức khỏe, có kinh nghiệm, kỹ năng, uy tín, tiếng nói, trách nhiệm ở cộng đồng.

Thứ hai là làm thế nào để bảo đảm các nhu cầu đặc thù, giảm tính dễ bị tổn thương của người cao tuổi liên quan đến sức khỏe, tình trạng khuyết tật, an sinh thu nhập, sắp xếp cuộc sống… khi phần lớn người cao tuổi có bệnh mãn tính, 35,7% người cao tuổi gặp khó khăn ở ít nhất một chức năng (nghe, nhìn, di chuyển, ghi nhớ, tự chăm sóc) và khi tỷ lệ người cao tuổi sống trong hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn cao và tỷ lệ người cao tuổi sống một mình hoặc sống chỉ với vợ/chồng hay gia đình khuyết thế hệ chỉ có ông/bà và cháu có xu hướng tăng cao.

Để góp phần giải quyết 2 vấn đề đó, Tổ chức HAI đã phối hợp  Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam triển khai Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại miền trung, Việt Nam - Giai đoạn III” trên địa bàn 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Theo đó, tất cả 20/20 xã phường thực hiện thí điểm lần đầu tiên có đại diện Hội Người cao tuổi được tham gia vào nhóm hỗ trợ kỹ thuật cấp xã, 100% nhóm cộng đồng có sự tham gia của người cao tuổi. Người cao tuổi và Hội Người cao tuổi sau khi được tham gia các nhóm hỗ trợ kỹ thuật và nhóm cộng đồng đã rất tích cực phát huy vai trò của mình, đóng góp đáng kể cho công tác phòng, chống thiên tai.

Ông Nguyễn Văn Tiến cho biết, việc phát huy vai trò, sự tham gia chủ động của người cao tuổi đã và đang là nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Phòng chống thiên tai.

Phát huy vai trò của người cao tuổi trong phòng, chống thiên tai -0

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai tại hội thảo chiều 27/9.

 

Thực tế ghi nhận nhiều thực hành tốt khi các cán bộ Hội Người cao tuổi tham gia các nhóm hỗ trợ kỹ thuật cấp xã/phường đã được giao nhiệm vụ phụ trách các nội dung liên quan đến người cao tuổi, bao gồm tham gia đánh giá rủi ro thiên tai, cung cấp thông tin về người cao tuổi trên địa bàn, lên danh sách người cao tuổi được phỏng vấn, tham gia cùng các thành viên nhóm hỗ trợ kỹ thuật đi phỏng vấn, cung cấp thông tin cho nhóm hỗ trợ kỹ thuật về những nhu cầu đặc biệt của người cao tuổi, xác định các hộ gia đình có người cao tuổi khi thực hiện hoạt động vẽ bản đồ rủi ro thiên tai của địa phương.

Bên cạnh đó, Hội Người cao tuổi các cấp cũng đã tham gia vào các hoạt động phục hồi sau bão lũ như là dọn dẹp bùn, cưa cây đổ và hỗ trợ sinh kế, vận động tiền và hiện vật để hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn gặp nhiều thiệt hại, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão lũ. Hội Người cao tuổi các địa phương còn đưa ra nhiều ý kiến và đề xuất có chất lượng cho Báo cáo phòng, chống thiên tai của địa phương.

Phó Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, cho biết, trong công tác phòng chống thiên tai, người cao tuổi luôn được quan tâm, bảo đảm an toàn, sức khỏe trước thiên tai.

“Việc phát huy vai trò, sự tham gia chủ động của người dân, nhóm có rủi ro cao, người cao tuổi và các lực lượng xã hội đã và đang là nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Phòng chống thiên tai thông qua việc hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững”, ông Nguyễn Văn Tiến thông tin.

Theo Báo Nhân Dân

 
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: