Mệnh lệnh chiến đấu thời bình
Đại úy Võ Đình Hòa, Trợ lý Cơ yếu Bộ CHQS tỉnh Bình Định cùng với đồng đội nhận nhiệm vụ giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão số 5 đầu tháng 11 vừa rồi tại huyện Tuy Phước (Bình Định). Chưa đầy 10 phút, hơn 30 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) với quân tư trang, vật chất đầy đủ có mặt tại vị trí tập trung để hành quân. Đến địa phương các anh nhanh chóng bắt tay vào thu dọn, dựng lại nhà bị đổ sập, lợp nhà bị tốc mái, bảo đảm cho người dân có nơi ở ổn định sau bão. Không ai bảo ai nhưng tất cả đều chấp hành nghiêm mệnh lệnh, sự phân công của chỉ huy và làm việc bằng hai, bằng ba để nhân dân không phải chịu khổ thêm.
81 nhà bị sập, 250 nhà bị tốc mái, hư hỏng tại huyện Tuy Phước trong cơn bão số 5 được CBCS Bộ CHQS tỉnh Bình Định và Lữ đoàn PPK 573 (Quân khu 5) hỗ trợ khắc phục. Ông Trần Minh Hóa ở thôn Tân Giản (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) nói trong nước mắt: "Nếu không có bộ đội về giúp thì hai vợ chồng già chỉ biết đứng nhìn đống gạch vụn, đổ nát này thôi"-đó là những gì còn lại của ngôi nhà gắn bó với gia đình ông hơn nửa đời người sau cơn bão số 5. Cũng ở thôn Tân Giản, bà Nguyễn Thị Chín trải lòng: "Bộ đội không về giúp thì tôi và nhiều gia đình khác gặp không ít khó khăn trong khắc phục hậu quả bão số 5. Các chú bộ đội làm việc trách nhiệm, hiệu quả, người dân chúng tôi ai cũng quý".
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định giúp nhân viên Cảng Quy Nhơn neo đậu tàu thuyền trước bão số 6. |
Thiệt hại do bão số 5 chưa khắc phục xong thì bão số 6 đến, các đơn vị quân đội từ tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và Tây Nguyên lại sát cánh cùng với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương phòng, chống bão. Hơn 2.000 CBCS với hàng trăm xuồng máy, ca nô, xe ô tô, xe đặc chủng được huy động. Toàn bộ tàu, thuyền của ngư dân và tàu hàng được bộ đội biên phòng các tỉnh Nam Trung Bộ phối hợp với cơ quan chức năng kêu gọi, hướng dẫn vào nơi neo đậu, tránh trú; 13.301 hộ với 45.726 người dân được di dời đến nơi an toàn; hơn 530 ngôi nhà và hàng trăm mét đê điều, kè biển được gia cố an toàn... Ở Tây Nguyên, bão số 5 và hoàn lưu bão số 6 cũng gây thiệt hại nặng nề. Quân đoàn 3 và lực lượng vũ trang các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc điều động lực lượng ứng phó kịp thời, giúp nhân dân khắc phục 196 căn nhà bị sập, tốc mái và gần 800ha cây trồng bị ngã, đổ ở tỉnh Gia Lai. Ứng cứu hơn 200 hộ dân tại huyện Lắc (tỉnh Đắc Lắc) bị ngập sâu trong lũ. "Giúp nhân dân ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai là mệnh lệnh chiến đấu thời bình. Gian khổ, khó khăn đến đâu chúng tôi cũng phải vượt qua, cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ", Đại úy Võ Đình Hòa khẳng định với chúng tôi như vậy.
Chuẩn bị toàn diện, phối hợp chặt chẽ
Trao đổi với lãnh đạo các địa phương và trực theo dõi công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm CHCN của các đơn vị quân đội trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên trong thời gian qua, chúng tôi rút ra ba vấn đề cần được tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt. Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cho mọi CBCS. Hai là, chuẩn bị toàn diện mọi phương án và thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập để nâng cao khả năng ứng phó. Ba là, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với địa phương ở mọi lúc, mọi nơi và trong mọi tình huống.
Thực tế cho thấy, hoạt động của bộ đội khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm CHCN luôn ở cường độ cao và nguy hiểm. Vì vậy, các đơn vị trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên không chỉ giáo dục nâng cao nhận thức mà còn xây dựng quyết tâm, trách nhiệm chính trị, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân cho mọi CBCS. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư để người dân thấy được tính chất phức tạp và sự tàn phá nặng nề do thiên tai gây ra, từ đó sát cánh cùng với lực lượng vũ trang chủ động ứng phó.
Hầu hết các đơn vị đều thành lập đội chuyên trách phòng, chống thiên tai, tìm kiếm CHCN. Lực lượng này được huấn luyện các kỹ năng như: Phương pháp tìm kiếm, cứu người bị nạn và phương tiện; lái xe kéo moóc, phương pháp hạ thủy tàu, thuyền xuống bến; lái tàu, xuồng trên sông, biển; bơi cứu người bị nạn; công tác sơ cứu người bị nạn... Hằng năm phối hợp với địa phương tổ chức huấn luyện, diễn tập ứng phó với thiên tai, tìm kiếm CHCN, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Phát huy nội lực để tự trang bị phương tiện cho đơn vị và tích cực sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác. Thiếu tá QNCN Phạm Văn Hoàng, Phó trạm trưởng Trạm Kỹ thuật (Bộ CHQS tỉnh Bình Định) cho biết: "Đơn vị đã có hai sáng kiến đang được ứng dụng rộng rãi là "Bộ giá liên kết gắn máy đẩy xuồng VSN-1500" và "Rơ-moóc kéo tàu". Từ thực tế sử dụng xuồng VSN-1500 trong phòng, chống lụt bão đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là công suất thấp và không phù hợp với điều kiện nước chảy. Chúng tôi đã nghiên cứu, gia công giá liên kết nhằm hạ thấp chân vịt của động cơ xuống sâu dưới nước để phát huy tối đa công suất của xuồng VSN-1500".
Thiếu tướng Cao Phi Hùng, Phó tư lệnh Quân khu 5 khẳng định: Huấn luyện kỹ, chuẩn bị chu đáo lực lượng, phương tiện và phương án ứng phó của đơn vị chỉ là một phần trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm CHCN. Lực lượng vũ trang trước hết phải làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án sát với tình hình thực tiễn. Thực hiện triệt để phương châm "4 tại chỗ" ngay từ cơ sở, ngay tại địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa nhằm ứng phó tại chỗ, kịp thời, hiệu quả với mọi sự cố, thiên tai.
Theo qdnd.vn