Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm trưởng đoàn để kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ảnh VGP/ Hải Minh
Cùng đi có các đồng chí: Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố…
Báo cáo với Phó Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết: Vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 14 giờ 30 phút ngày 30/7 trên đèo Bảo Lộc thuộc địa phận thị trấn Đạ M’ri (huyện Đạ Huoai) giáp ranh với xã Đại Lào (TP Bảo Lộc), khiến một khối lượng lớn đất, đá đổ sập vùi lấp hoàn toàn Chốt Cảnh sát Giao thông trên đèo Bảo Lộc khiến 3 cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ và 1 người dân bị chôn vùi. Đến nay, đã tìm thấy thi thể của 3 cán bộ, chiến sỹ hy sinh và đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích còn lại.
Vụ sạt lở cũng khiến giao thông đèo Bảo Lộc bị chia cắt hoàn toàn và hiện chưa được khôi phục.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang viếng đồng chí Lê Văn Sáng. Ảnh VGP/ Hải Minh
Sau khi kiểm tra thực tế tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đến thăm, chia buồn và động gia đình Thượng úy Lê Văn Sáng (ngụ tại Phường 2, TP Bảo Lộc) là 1 trong 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong vụ sạt lở khi đang làm nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia buồn cùng thân nhân gia đình đồng chí Lê Văn Sáng. Ảnh VGP/ Hải Minh
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên đèo Bảo Lộc.
Hiện trường vụ sạt lở. Ảnh VGP/ Hải Minh
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký ban hành Công điện số 691/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó với mưa lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
Công điện gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương.
Công điện nêu rõ: Những ngày qua, tại một số địa phương khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, ảnh hưởng lớn đến giao thông và đời sống của người dân; đặc biệt ngày 30 tháng 7 năm 2023, trên tuyến quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), đã xảy ra vụ sạt lở đất làm 03 chiến sỹ cảnh sát giao thông và 01 người dân bị vùi lấp. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình có người bị nạn.
Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn văn quốc gia, mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài nhiều ngày tới.
Để khắc phục hậu quả vụ sạt lở nêu trên và chủ động phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc công điện số 607/CĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kiểm tra hiện trường vụ sạt lở. Ảnh VGP/Hải Minh
Thứ nhất, Ủy ban nhân dân các tỉnh chủ động chỉ đạo, triển khai công tác khắc phục hậu quả đợt thiên tai, mưa lớn vừa qua, bảo đảm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Kiên Giang.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất nêu trên, khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn những người bị mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chế độ, chính sách đối với các cán bộ, chiến sỹ cảnh sát bị nạn theo quy định; chỉ đạo đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân và rút kinh nghiệm về sự cố sạt lở; kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các khu vực có nguy cơ sạt lở, có phương án chủ động bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 20 và các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương, nhất là Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương xử lý, khắc phục ngay các vị trí bị sạt lở, ngập sâu, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng để có biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính, đặc biệt là tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và tuyến quốc lộ 20 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Thứ ba, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là mưa lũ, sạt lở đất, cung cấp kịp thời thông tin về thời tiết, thiên tai, nguy cơ sạt lở để phục vụ công tác ứng phó.
Thứ tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn cho công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện theo chức năng quản lý nhà nước được giao.
Thứ năm, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an theo dõi sát tình hình thiên tai, sự cố, chủ động chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ảnh VGP/hải Minh
Thứ sáu, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.