Phú Thọ: Tăng cường phương án cụ thể, kịch bản chi tiết để chủ động phòng chống thiên tai

Đăng ngày: 18-07-2019 | Lượt xem: 1126
Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cùng đoàn công tác, tại buổi làm việc với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Phú Thọ về công tác phòng, chống thiên tai năm 2019.
toan canh 4
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Việt

Tham gia cùng đoàn công tác, có đồng chí Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn; đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống lụt bão; đại diện Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đại diện Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Bộ Công an. Về phía tỉnh Phú Thọ, tiếp và làm việc với đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, cùng các thành viên trong Ban chỉ huy PCTT&TKCN.

Báo cáo tóm tắt tình hình kết quả thực hiện công tác phòng, chống thiên tai năm 2019 trên địa bàn tỉnh tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Bình - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Thọ cho biết: Thực hiện Nghị định 160/NĐ - CP của Chính phủ, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định; kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tại Quyết định số 794/QĐ – UBND ngày 12/4/2019, Quyết định số 1100/QĐ - BCH ngày 16/5/2019; Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp đã tổ chức kiện toàn Ban chỉ huy và phân công nhiệm vụ cho các thành viên theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng ban hành Chỉ thị số 04/CT - UBND ngày 26/4/2019 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019; và ban hành các kế hoạch, các văn bản chỉ đạo về phòng chống thiên tai, kế hoạch tập huấn diễn tập, văn bản chỉ đạo chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần tại chỗ, kiểm kê trang thiết bị, đánh giá hiện trạng công trình; tập trung chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; trên cơ sở đó các địa phương trong tỉnh xây dựng các phương án huy động cụ thể từ các xã, phường, thị trấn, hiệp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.

1C6A9830
Thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Thọ chia sẻ kết quả công tác PCTT trên địa bàn. Ảnh: Đức Việt

Ngày 14/2/2019, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có Văn bản số 06/BCH – VPTT giao nhiệm vụ cụ thể cho các huyện, thành phố, thị xã lập phương án phòng, tránh, ứng phó với mưa lũ lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại khu vực ven sông, suối và các khu vực chân đồi, núi có độ dốc lớn để đảm bảo an toàn.

Đối với phương án bảo vệ đê điều, hồ đập, công trình xung yếu, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch về ứng phó với sự cố vỡ đê; bão, áp thấp, lũ, lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá đến năm 2020; đồng thời chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát và xây dựng các phương án bảo vệ các công trình phòng chống thiên tai, đặc biệt là các công trình đê điều, thủy lợi; đánh giá hiện trạng đê điều, hồ đập trên địa bàn tỉnh, xác định trọng điểm và phương án hộ đê năm 2019; chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã, Cty TNHH Nhà nước một thành viên khai thác Công trình thủy lợi Phú Thọ thực hiện công tác đảm bảo an toàn hồ chứa năm 2019; phê duyệt 04 phương án trọng điểm phòng chống thiên tai cho các huyện Tam Nông, Lâm Thao, Hạ Hòa và Thành phố Việt Trì; xây dựng phương án ngập lụt theo các kịch bản ngập lụt và báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương với 5 kịch bản ngập lụt trên địa bàn tỉnh.

Đối với công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” là: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ, ngay từ đầu năm 2019, tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đều kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, phụ trách từng bộ phận, địa bàn và từng vị trí trọng điểm sung yếu; sẵn sàng đầy đủ nhân lực ứng phó các tình huống khi có thiên tai xảy ra; sẵn sàng cung ứng và huy động các phương tiện, cơ sở vật chất khi cần thiết; chủ động chuẩn bị đẩy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu đói…

Công tác thành lập, tổ chức, củng cố đội xung kích về phòng, chống thiên tai, đội dân quân tự vệ, lực lượng quản lý đê nhân dân đối với những địa phương có đê đã được triển khai ở tất cả các xã phường, thị trấn trên địa bàn và các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện tốt công tác thu, nộp Quỹ phòng, chống thiên tai hàng năm; triển khai các kế hoạch tập huấn và diễn tập cấp xã đạt hiệu quả.

Cùng với đó, công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng được Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chú trọng quan tâm, trong đó các Sở, ban, ngành phối hợp với các cơ quan truyền thông trong tỉnh, cũng như các cơ quan báo chí Trung ương tại địa phương tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời đưa các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, bản tin về bão, các công điện, diễn biến tình hình mưa lũ, tình hình thiệt hại, kết quả khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra…

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống thiên tai, Phú Thọ cũng đang gặp một số khó khăn đó là: Phú Thọ là một tỉnh trung du miền núi, chưa đảm bảo cân dối ngân sách, vì vậy ngân sách bố trí cho công tác chỉ đạo điều hành, ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai còn gặp nhiêu khó khăn; trên địa bàn tỉnh có nhiều sông lớn chảy qua, kết hợp với xả lũ các hồ thủy điện luôn tiềm ẩn lũ lớn; một số ngòi lớn có lưu vực rộng, độ dốc suối lớn, lòng suối hẹp luôn tiềm ẩn các trận lũ ống, lũ quét bất ngờ; hệ thống hồ đập trên địa bàn có nhiều công trình xuống cấp, chưa có nguồn để đầu tư, sửa chữa; mạng lưới Trạm khí tượng thủy văn, điểm đo mưa còn thưa, dẫn đến việc chi tiết hóa bản tin dự báo, cảnh báo đến cấp huyện, cấp xã còn khó khăn và hạn chế.

Trên cơ sở đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Thọ đề xuất, kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các Bộ, ngành sớm xây dựng cấp báo động lũ trên tuyến sông Bứa; hỗ trợ kinh phí để tỉnh tăng cường hệ thống quan trắc dự báo, cảnh báo thiên tai; ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về xây dựng các phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai cho từng loại hình thiên tai; quan tâm, hỗ trợ Văn phòng thường trực tỉnh về công tác nâng cao năng lực, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị thiết yếu phục vụ thường trực phòng chống thiên tai cấp tỉnh…

thảo luận
Đồng chí Hoàng Đức Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn phát biểu thảo luận. Ảnh: Đức Việt

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào việc tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện công tác phòng chống thiên tai; đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành khi có sự cố thiên tai xảy ra; cũng như công tác thu và sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai. Cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng dự báo, thông tin dự báo nhanh, chính xác. Nhiều ý kiến nhấn mạnh: Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cần đẩy mạnh thông tin, đây là yếu tố quan trọng trong việc cảnh báo cho các cấp, các địa phương và người dân, qua đó giúp cho công tác phòng chống thiên tai, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh có hiệu quả.

đc Thái
Đồng chí Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Đức Việt 

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ghi nhận và đánh giá cao kết quả trong công tác phòng chống thiên tai của Phú Thọ thời gian qua, đồng chí Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng nhấn mạnh: Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cùng các Bộ, ngành sẽ phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Thọ tìm phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống thiên tai; đồng thời đề nghị: Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp trong tỉnh không chủ quan những diễn biến mưa lũ bất thường xảy ra; tiếp tục tăng cường công tác thông tin; đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo lũ; cấp độ thiên tai cần được chi tiết hóa; đồng thời tích cực huy động chính sách, huy động các nguồn lực điển hình như việc xã hội hóa các trạm quan trắc; đặc biệt Ban chỉ huy PCTT&TKCN các Sở, ngành và các địa phương trong tỉnh cần có phương án cụ thể, kịch bản chi tiết để chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ.

thực địa

Đoàn công tác kiểm tra thực địa ở cơ sở. Ảnh: Đức Thiện

Ngay sau khi kết thúc buổi làm việc, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do đồng chí Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Ủy viên Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn, cùng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Thọ đã đến thực địa, kiểm tra tuyến đê Tả Thao, xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: