Quảng Bình: Cần lồng ghép phòng chống thiên tai vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Đăng ngày: 01-07-2021 | Lượt xem: 2115
Không nằm ngoài vòng xoáy thiên tai khốc liệt của miền Trung, năm qua, Quảng Bình chịu ảnh hưởng nặng nề bởi 11 cơn bão, áp thấp, mưa lũ, trong đó có những đợt lũ vượt qua lịch sử. Dự báo từ tháng 7 này, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở vùng Bắc Biển Đông và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ từ tháng 8 - 10/2021.

Quảng Bình đã và sẽ làm gì trước mùa “cao điểm” thiên tai năm nay, PV Báo TN&MT  đã có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Minh (ảnh) - Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình.

PV: Năm 2020, Quảng Bình là 1 trong các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ các trận mưa bão, trong đó có những trận lụt vượt qua các mốc lịch sử. Xin ông cho biết những con số thiệt hại do thiên tai gây ra?

Ông Mai Văn Minh: Trong năm 2020, Quảng Bình chịu ảnh hưởng bởi 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và 5 đợt mưa lũ. Trong đó, khốc liệt nhất là 2 đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 16 -  22/10 với mức lũ vượt qua tất cả các mốc trong quá khứ. Mực nước trên lưu vực các sông chính như hệ thống sông Nhật Lệ, sông Gianh, sông Son… đều vượt mức báo động III, vượt lũ lịch sử năm 1979, gây hậu quả nặng nề đối với 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Ông Mai Văn Minh

Mặc dù đã tích cực triển khai quyết liệt các phương án ứng phó với mưa lũ, nhưng do cường suất mưa quá lớn nên đã gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng về người và tài sản trên phạm vi toàn tỉnh. Thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2020 ước tính khoảng 3.676 tỷ đồng, riêng tháng 10 là 3.511,674 tỷ đồng làm 25 người chết, 197 người bị thương; 104 nhà hư hỏng hoàn; 106.220 ngôi nhà bị ngập.

PV: Đối mặt với những yếu tố bất ngờ và khốc liệt đó, Quảng Bình đã triển khai những biện pháp gì, thưa ông?

Ông Mai Văn Minh:

Trong tình huống mưa lũ lịch sử, tỉnh đã quyết liệt huy động nguồn lực, lực lượng tập trung khẩn trương cứu trợ các vùng bị ngập sâu như Lệ Thủy, Quảng Ninh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn và tổ chức cứu trợ khẩn cấp cho người dân hàng chục tấn lương khô, hàng trăm nghìn thùng mì tôm, sữa, nước uống đóng chai.

Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, công tác ứng phó với các tình huống thiên tai, nhất là ngập lụt đã được quán triệt thường xuyên theo phương châm “sống chung với lũ”. Do vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở đều lồng ghép công tác phòng chống thiên tai vào phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài việc chủ động các phương án ứng phó với mưa lũ, ngập lụt dài ngày thì sau lũ, thiết kế cho  xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà dân đều được khuyến cáo có tính toán đến yếu tố vượt mốc mưa lũ lịch sử.

PV: Vậy những biện pháp, bài học kinh nghiệm mà Quảng Bình rút ra từ thực tiễn năm trước chắc chắn sẽ còn hiệu quả cho năm nay?

Ông Mai Văn Minh:

Chắc chắn phương châm “4 tại chỗ” vẫn còn nguyên giá trị và không chỉ ở các cấp chính quyền mà phải xuất phát từ từng người dân, hộ gia đình. Trong đó, việc đảm bảo phương tiện, nâng cao tính chuyên nghiệp của lực lượng phòng chống thiên tai, nhất là ở cơ sở phải được quan tâm đúng mức.

Quảng Bình đã chịu thiệt hại nặng nề từ các trận mưa bão, lũ lụt.

Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động hiệp đồng, chỉ huy sớm triển khai các lực lượng, phương tiện về các địa bàn xung yếu, tuân thủ lệnh chỉ huy, các quy định trong phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và người dân. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án chỉ đạo, điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả đối với từng loại hình, từng tình huống thiên tai cụ thể; xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu, đánh giá toàn diện về tình hình thiên tai, hậu quả và tác động đến dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Đối mặt với mùa lũ bão năm nay, Quảng Bình đã chuẩn bị kế hoạch ứng phó như thế nào, thưa ông? 

Ông Mai Văn Minh: Mặc dù chưa đến mùa cao điểm lũ bão nhưng ngay từ đầu năm chúng tôi đã tiến hành rà soát, kiểm tra các điểm ngập lụt, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ bùn, lũ quét để có phương án di dân khẩn cấp đảm bảo an toàn trước thiên tai; rà soát, sửa chữa các hồ chứa thủy lợi, đê kè xung yếu, hệ thống kênh mương, trạm bơm... Đồng thời, xây dựng phương án và các mẫu nhà vượt lũ; rà soát kế hoạch ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu để lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ tỉnh đến các địa phương; xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai.

Cụ thể, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành một số Nghị quyết, Chương trình để lãnh đạo, chỉ đạo, huy động hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định đời sống nhân dân. Trong đó xác định những rõ nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và lâu dài như: Tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu đói, bệnh tật, không có chỗ ở; tiếp tục rà soát kiên quyết di dời các hộ ở vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, xử lý môi trường; khắc phục nhanh hạ tầng thiết yếu, bảo đảm hệ thống điện, giao thông, thông tin liên lạc, trường học, y tế, nước sạch tập trung, hạ tầng sản xuất nông nghiệp; sớm xây dựng các khu tái định cư cho các hộ dân phải di dời khẩn cấp do sạt lở đất.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo TNMT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: