Hội nghị đã tập trung đánh giá thực trạng, nhận diện các vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt, lở đất ở khu vực miền núi. Trên cơ sở dự báo, đánh giá này, tỉnh Quảng Trị xây dựng phương án ứng phó với kịch bản rủi ro thiên tai của năm 2021 là cấp độ 3. Đây là cấp độ lớn nhất đối với loại hình lũ quét, sạt lở đất, tương đương với mưa lũ lịch sử năm 2020 tại tỉnh này.
Năm 2020, thiên tai đã tàn phá mảnh đất Quảng Trị gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” chưa từng có trong nhiều năm, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra liên tục trên địa bàn các huyện miền núi.
Thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn tỉnh. Ước tổng giá trị thiệt hại là trên 4.250 tỷ đồng.
Theo nhận định từ nay đến hết năm 2021 còn khoảng 9 đến 11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 4 đến 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, nhiều cơn bão có khả năng đổ bộ địa bàn tỉnh Quảng Trị, tập trung trong từ tháng 9 đến tháng 11. Vì vậy, tỉnh chủ động xây dựng kế hoach chú ý đề phòng khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt, lở đất do mưa lớn gây ra.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các đơn vị chức năng, các địa phương có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét cũng như các chủ dự án điện gió triển khai các biện pháp trước mắt cũng như về lâu dài nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, về lâu dài UBND tỉnh yêu cầu chủ dự án cùng chính quyền địa phương cần rà soát, xây dựng các khu tái định cư để di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao đến nơi đảm bảo an toàn. Đồng thời, chủ dự án hỗ trợ kinh phí bồi thường cho người dân đến nơi ở mới an toàn; lập kế hoạch, phương án và tổ chức trồng rừng thay thế và thu hồi diện tích đất cấp tạm thời sau khi các dự án điện gió đã hoàn thành để bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định. Bên cạnh đó, trồng cây tại khu vực bãi thải nhằm giảm nguy cơ sạt lở về lâu dài tại các dự án điện gió.
Cần có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời các bãi thải có nguy cơ sạt lở đất, gia cố bảo đảm ổn định đề phòng sạt, trượt mái ta-luy đường công vụ trước mùa mưa bão. Khẩn trương hoàn thành các thủ tục về đất đai, đánh giá tác động môi trường. Sau khi công trình điện gió đi vào vận hành, chủ đầu tư có trách nhiệm phục hồi nguyên trạng diện tích sử dụng tạm thời.
Tạp chí KTTV