Sẵn sàng ứng phó giảm thiểu thiệt hại thiên tai

Đăng ngày: 22-06-2019 | Lượt xem: 1261
Vừa qua đã diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới”.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, tại Việt Nam, thiên tai năm 2018 mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai. Trong năm 2018, cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đoàn thể, tổ chức nhất là lực lượng vũ trang, nhân dân vùng thiên tai đã vào cuộc triển khai quyết liệt, mạnh mẽ.

Nhiều cách làm sáng tạo, quyết đoán đã được thực thi trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, đặc biệt là vận hành liên hồ, ứng phó kịp thời, hiệu quả với lũ lớn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long (không để xảy ra người chết và trẻ em không phải nghỉ học), tuyên truyền, cảnh báo tới cộng đồng bằng tin nhắn và nhiều hình thức sống động, sáng tạo, hiệu quả… Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thiệt hại về người và tài sản có giảm, song vẫn còn rất nặng nề. Từ đầu năm 2019 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai làm 23 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 337 tỷ đồng.

TP Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xử lý các sự cố về đê điều. Ảnh: Khánh Phong

 

Trước thực trạng công tác phòng chống thiên tai hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp trong hoạt động phòng chống thiên tai giữa các Bộ, ngành và địa phương; huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức chính trị, DN và cộng đồng để chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản, đồng thời đẩy nhanh tiến độ phục hồi, tái thiết sau thiên tai nhằm sớm ổn định đời sống, sức khỏe, môi trường, sản xuất của nhân dân.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác PCTT, củng cố hệ thống tổ chức chỉ đạo về PCTT, ban hành các văn bản pháp luật về PCTT. Công tác PCTT và TKCN đã được cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo ứng phó thiên tai. Các lực lượng cứu hộ cứu nạn đã hoạt động hiệu quả. Vai trò của lực lượng vũ trang đặc biệt là lực lượng quân đội luôn sẵn sàng trong mọi tình huống khi có yêu cầu về ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn xảy ra.

Để ứng phó giảm thiểu thiệt hại thiên tai trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: Chúng ta không được chủ quan, mọi người phải chung tay PCTT để giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt công tác phòng chống ứng phó thiên tai cần phải chủ động hơn, kịp thời hơn để bảo vệ phát triển sản xuất, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân và Nhà nước. Việc giảm thiểu thiệt hại thiên tai theo hướng phòng ngừa rủi ro phải được chú trọng.

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai gây ra, TP Hà Nội đang tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trước mùa mưa bão. Để bảo đảm an toàn công trình chống lũ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, TP Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xử lý các sự cố đê điều xảy ra trong năm 2018. Đến thời điểm này, các dự án đang triển khai đều đảm bảo tiến độ thi công.

TP cũng đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xem đây là một trong những giải pháp hữu hiệu mà TP Hà Nội thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản. Trong đó, chú trọng tuyên truyền trách nhiệm của chính quyền quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn trong công tác quản lý và bảo vệ đê điều. Kết hợp tuyên truyền, vận động với phát hiện kịp thời, ngăn chặn và tham mưu kiên quyết xử lý có hiệu quả ngay tại cơ sở những hành vi vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi… từ khi mới phát sinh; đặc biệt là những địa phương, cơ quan, đơn vị ở ven đê.

Ngoài giải pháp công trình, thời gian tới TP Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống thiên tai; thực hiện phương châm “Ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) và “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Vận động nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống cho gia đình và tham gia công tác phòng, chống lụt, bão, úng ngập, giảm nhẹ thiên tai của địa phương, đơn vị.

Theo phapluatxahoi.vn

 
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: