Biển xâm thực nhanh và liên tục
Gần cả đời người sinh sống bên bãi biển, bà Nguyễn Thị Mai, tổ dân phố Tân Mỹ, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) chưa bao giờ thấy hoang mang, lo sợ trước tình trạng bờ biển bị sạt lở như hiện nay: “Trước kia, bờ biển cách xa khu dân cư khoảng 500m, người dân muốn ra biển đánh bắt hải sản phải mang ngư lưới cụ đi bộ đến mỏi chân. Nhưng hiện tại, biển đã lấn sâu vào đất liền chỉ còn cách nhà dân vài chục mét. Mùa biển động, có đêm, sóng biển vỗ vào hàng rào khiến ai cũng hốt hoảng, lo lắng”, bà Mai cho biết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nước biển lấn sâu vào đất liền, gây xói lở gần như xóa sổ rừng phi lao phòng hộ ven biển ở tổ dân phố Tân Mỹ. Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc cho hay: "Tình trạng biển xâm thực diễn ra rất nhanh, đặc biệt từ năm 2020 đến nay, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Hiện tại, nước biển đã tiến sát khu dân cư với chiều dài khoảng 2km, phá hỏng đường giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và đe dọa tính mạng, tài sản người dân địa phương".
Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia khắc phục sạt lở bờ biển đoạn qua thôn An Dương 1, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang vào tháng 10-2022. Ảnh: NGỌC MINH
Theo ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 6 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài khoảng 4,8km. Những điểm sạt lở tập trung tại các cửa sông là khu vực có đông dân cư và các công trình hạ tầng quan trọng. Trong khi đó, một số điểm sạt lở khác dọc bờ biển các xã thuộc huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy lại diễn ra khá bất thường, mang tính đột biến, làm thu hẹp các đồi cát bảo vệ ven biển. Với diễn biến bất thường của thời tiết thì việc biển tiếp tục lấn sâu vào đất liền hoặc xuất hiện thêm các điểm sạt lở mới hoàn toàn có thể xảy ra.
Tình trạng biển xâm thực gây sạt lở hiện được ghi nhận tại các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung. Theo số liệu thống kê, khu vực miền Trung hiện có hơn 60 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài khoảng 95km, kéo dài từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận.
Là địa phương có đường bờ biển dài 128km, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do sạt lở bờ biển. Toàn tỉnh hiện có 10 điểm sạt lở nguy hiểm với hơn 12,4km, tập trung ở khu vực các xã: Phong Hải, Phong Hòa (huyện Phong Điền); Quảng Ngạn, Quảng Công (huyện Quảng Điền); Hải Dương (TP Huế); Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (huyện Phú Vang); Vinh Mỹ, Giang Hải (huyện Phú Lộc)... Theo nhiều người dân sinh sống ở thôn An Dương 1, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, những năm trước, bờ biển cách xa khu dân cư, nhưng sau các đợt mưa bão cộng với triều cường, sóng lớn đã cuốn bay gần hết rừng phi lao phòng hộ có tuổi đời hơn 20 năm. Đến nay, bờ biển xâm thực sâu vào đất liền khoảng 10-30m, ảnh hưởng đến 500 hộ dân, nhiều đoạn sạt lở ăn sâu vào bờ có chiều dài 300m, tạo ra nhiều “hàm ếch” nguy hiểm. “Tình trạng biển xâm thực diễn ra nhanh, nguy hiểm đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống gần bờ biển; ảnh hưởng đến 24 xã, thị trấn ven biển cũng như cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội, du lịch, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh”, ông Đặng Văn Hòa, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ, bền vững
Tình trạng sạt lở bờ biển ở miền Trung xuất hiện từ nhiều năm trước nhưng kể từ năm 2020 đến nay, tình trạng này diễn ra với tốc độ nhanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Nguyên nhân được xác định là do các tỉnh miền Trung có địa hình hẹp, hệ thống sông, suối ngắn, dốc, dễ thay đổi dòng chảy. Ngoài yếu tố địa hình, việc triều cường dâng cao kết hợp với tác động cộng hưởng của nhiều loại hình thời tiết cực đoan như lũ lụt, bão, gió mùa Đông Bắc làm bờ biển mất cân bằng là nguyên nhân chính dẫn đến nước dâng cao gây xói lở, ngập lụt kéo dài.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan kể trên, tình trạng sạt lở bờ biển ở miền Trung còn do tác động của việc quy hoạch, xây dựng các công trình ven biển, san lấp mặt bằng làm thu hẹp dòng chảy dẫn đến gia tăng rủi ro thiên tai. Theo PGS, TS Trần Thanh Tùng, Phó trưởng khoa Công trình, Trường Đại học Thủy lợi: Thời gian tới, sạt lở bờ biển sẽ diễn ra với tốc độ nhanh, nguy hiểm hơn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lụt, gió mùa ngày càng gia tăng về cấp độ, diễn biến bất thường, không theo quy luật sẽ tác động không nhỏ đến địa hình các khu vực ven biển. Những yếu tố đó kết hợp với những yếu tố “nền” đã có sẵn sẽ dẫn đến việc sạt lở trở nên nhanh, mạnh mẽ hơn.
Khẩn trương ứng phó với tình trạng sạt lở bờ biển, sớm ổn định cuộc sống cho người dân trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường là nhiệm vụ cấp thiết. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chính quyền các địa phương đã sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng, phương tiện để di dời các hộ dân; gia cố các bờ biển bị sạt lở đặc biệt là trong mùa mưa bão. Nhiều tỉnh đã lên phương án quy hoạch khu tái định cư cho những hộ dân ở vùng nguy hiểm, tuy nhiên, kinh phí thực hiện và việc tạo dựng sinh kế cho bà con còn gặp nhiều khó khăn.
Trước mắt, giải pháp được các địa phương ưu tiên là xây dựng các công trình kè chống sạt lở ở các đoạn xung yếu. Theo ông Trần Xuân Tiến, để xây dựng các đoạn kè chống sạt lở với tổng chiều dài 4km và hai công trình gia cố tạm kết hợp các biện pháp bảo vệ phi công trình ở các điểm sạt lở, cần nguồn kinh phí khoảng 215 tỷ đồng. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn khó khăn, tỉnh Quảng Bình đã đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ tỉnh 120 tỷ đồng để tỉnh ưu tiên thực hiện công trình chống sạt lở, bảo vệ bờ biển, đoạn tổ dân phố Tân Mỹ. Còn đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương này cần số tiền khoảng 1.300 tỷ đồng để tiếp tục xây dựng, gia cố các tuyến kè biển trong thời gian tới.
Chung quan điểm, PGS, TS Trần Thanh Tùng nhận định, việc xây dựng kè biển, chống sạt lở bằng rọ đá, đóng cọc tre... là cấp bách, cần sớm thực hiện. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tạm thời, để khắc phục hiệu quả, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp khác.
Trong điều kiện nguồn ngân sách địa phương, Trung ương còn nhiều khó khăn thì các địa phương cần huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt là những cơ chế, chính sách huy động các doanh nghiệp trong đầu tư, xây dựng, khai thác, sử dụng, bảo đảm sự phát triển bền vững các công trình ven biển. Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát, đánh giá các khu vực nguy hiểm để điều chỉnh các phương án ứng phó; chú trọng tăng cường công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn các kỹ năng và thực hiện đúng quy trình ứng phó khi xảy ra sự cố sạt lở. Ngoài ra, một giải pháp khác cần sớm thực hiện là phải tái tạo lại rừng phòng hộ. “Đây là một giải pháp cần thiết nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường, đồng thời tạo sinh kế nhất định cho người dân ven biển sinh sống”, PGS, TS Trần Thanh Tùng khẳng định.
TRẦN MINH TÚ