Sạt lở bờ sông Tranh đang đe dọa cuộc sống của hàng chục hộ dân ở xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: L.K.
Nhiều năm qua, cứ chuẩn bị bước vào mùa mưa bão thì người dân ở thôn 4 (xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) lại lo lắng, đứng ngồi không yên khi chứng kiến hiện tượng sạt lở “cướp” đi hàng chục mét đất vườn của gia đình.
Theo người dân địa phương, họ sống ở khu vực này đã hàng chục năm qua nhưng trước đây, hiện tượng xâm thực bờ sông xảy ra không đáng kể. Các hộ dân chỉ cần trồng những hàng tre hai bên bờ là có thể hạn chế được tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, khi thủy điện Sông Tranh 3 tích nước thì tình trạng này lại càng trầm trọng hơn.
Ông Nguyễn Hữu Lộc (SN 1966, trú thôn 4, xã Tiên Lãnh) cho biết, vào năm 2018, thủy điện Sông Tranh 3 tích nước đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân trong thôn. Đặc biệt, vào mùa mưa, thủy điện này xả lũ với lưu lượng lớn đã khiến cho bờ sông càng bị xâm thực mạnh.
Vườn nhà bà Trương Thị Hồng (SN 1954, trú thôn 4, xã Tiên Lãnh) chỉ cách bờ sông chừng 10m và xuất hiện vết sụt lún. Ảnh: L.K.
Trung bình mỗi năm có đến hàng chục mét đất của người dân bị “nuốt chửng”. Kéo theo đó là những vườn cây ăn quả mà phải mất nhiều năm họ bỏ công chăm sóc cũng trong phút chốc trôi theo dòng nước. Vậy nhưng tất cả cũng đành bất lực vì không thể tìm ra biện pháp gì để khắc phục.
“Trước đây căn nhà tôi nằm cách bờ sông đến hơn 50m, cứ nghĩ là không bao giờ bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Thế nhưng 3 năm gần đây, dòng sông đã ăn sâu vào trong vườn đến hơn 30m. Những hàng tre mà chúng tôi trồng trước đây để chống xói lở cũng biến mất hoàn toàn.
Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì có lẽ chỉ vài năm nữa thôi, căn nhà của tôi cũng không còn. Bây giờ 20m đất vườn còn lại đang bị sụt lún mạnh. Riêng căn nhà đang ở cũng chịu ảnh hưởng khi xuất hiện rất nhiều vết nứt. Mong chính quyền địa phương sớm có biện pháp giải tỏa, hỗ trợ tái định cư cho người dân yên tâm sinh sống”, ông Lộc chia sẻ.
Người dân lo lắng nếu không sớm có biện pháp ứng phó tình trạng sạt lở thì căn nhà họ đang sống cũng đứng trước nguy cơ đổ sập khi hiện nay đã xuất hiện các vết nứt. Ảnh: L.K.
Chỉ tay về những vết sụt lún sâu trong vườn nhà của mình, bà Trương Thị Hồng (SN 1954, trú thôn 4, xã Tiên Lãnh) cho biết thêm, hầu như những hộ dân sống hai bên bờ sông này năm nào cũng mất đi cả chục mét đất. Trong đó, vào mùa mưa bão năm 2020 vừa qua, thủy điện Sông Tranh 3 xả lũ mạnh, nước dâng mấp mé đến sân nhà.
“Nước lũ ngâm liên tục nhiều ngày đã tạo ra những điểm sụt lún trong vườn nhà tôi. Không những vậy, xung quanh căn nhà cũng xuất hiện nhiều hố sâu rất nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn, tôi phải chặt cành cây để che miệng hố lại. Còn vài tháng nữa là đến mùa mưa bão rồi, không biết tới đây có bao nhiêu mét đất lại bị mất đi. Vừa qua, chính quyền cũng tới đây kiểm tra nhưng chưa thấy nói gì”, bà Hồng lo lắng.
Được biết, ven sông Tranh có hàng chục hộ dân sinh sống, trong đó theo ông Bùi Sang, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh thì có 14 hộ đang chịu ảnh hưởng của tình trạng sạt lở bờ sông. Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, xã Tiên Lãnh đã phối hợp cáo các đơn vị liên quan của huyện tiến hành kiểm tra và xác nhận tình trạng sạt lở tại bờ sông Tranh đang diễn ra nghiêm trọng.
“Các hộ dân sống gần khu vực bị sạt lở về lâu dài sẽ rất nguy hiểm. Do đó, Chúng tôi đang lập kế hoạch xây dựng khu tái định cư để đưa người dân về sinh sống. Ngoài các hộ dân tại thôn 4, nhiều hộ dân một số nơi khác trong xã nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở cũng sẽ được di dời về khu tái định cư họ có thể yên tâm sinh sống, sản xuất”, ông Sang thông tin.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam