Thủ tướng Chính phủ ngày 31-7 ban hành Công điện 691/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó với mưa lớn tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
Tây Nguyên sạt lở nghiêm trọng
Đến chiều 31-7, các lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng vẫn miệt mài huy động máy móc san ủi nhằm sớm thông xe tuyến đường huyết mạch phía Nam của tỉnh sau sự cố sạt lở đèo Bảo Lộc xảy ra trước đó 1 ngày.
Trưa cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã tìm được thi thể anh Phạm Ngọc Anh - nạn nhân cuối cùng bị sạt lở vùi lấp cùng với 3 cán bộ CSGT của Trạm CSGT Mađaguôi. Ba cán bộ CSGT hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ là trung tá Nguyễn Khắc Thường (42 tuổi), đại úy Lê Quang Thành (46 tuổi) và đại úy Lê Ánh Sáng (33 tuổi) - đều thuộc Trạm CSGT Mađaguôi, Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng - đã được Bộ Công an thăng quân hàm, Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công.
Có mặt tại hiện trường trên đèo Bảo Lộc, phóng viên nhận thấy khoảng đất phía trên chốt trực CSGT là vườn sầu riêng, trải theo triền dốc trong khi xung quanh là rừng cây xanh. Một mảng đất khá lớn từ vườn đổ ập xuống, đè sập chốt trực khiến 3 cán bộ CSGT hy sinh cùng anh Phạm Ngọc Anh tử vong.
Ông Đặng Văn Chinh - Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai - cho biết diện tích vườn sầu riêng đã được đưa ra ngoài quy hoạch rừng. Khu vườn do người dân sinh sống gần miếu Ba Cô canh tác từ khoảng năm 1985. Trước đây, họ canh tác cây cà phê, mít, vài năm nay chuyển sang trồng sầu riêng. Lâu nay khu vực này không xảy ra sự cố gì.
Những ngày qua, địa bàn các tỉnh Tây Nguyên liên tục xảy ra mưa lớn, gây ngập lụt, thiệt hại nặng nề. Ông Nguyễn Bá Bân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk - cho hay đến chiều 31-7, mưa lớn kéo dài đã làm ngập 128 ngôi nhà, hơn 2.000 ha cây trồng bị ngập úng; một số tuyến đường liên xã, quốc lộ bị ngập, giao thông tạm thời bị chia cắt. Tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk mưa lớn kèm theo vỡ đê bao đã khiến hàng ngàn hecta lúa bị ngập.
Tại TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, nước đổ dồn xuống khu vực hồ trung tâm khiến nước dâng cao làm cả trăm căn nhà của người dân sống xung quanh lòng hồ bị ngập sâu trong nước. Ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND TP Gia Nghĩa, cho biết địa phương đã rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó bão, ngập lụt, nhất là sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm.
Lực lượng chức năng khắc phục sự cố sạt lở đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm ĐồngẢnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Miền Tây nhiều diện tích lúa bị ngập nặng
Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, những ngày qua mưa lớn cũng gây ra tình trạng ngập úng, sạt lở đất ở một số nơi. Tại tỉnh Kiên Giang, mưa lớn kèm theo giông, lốc làm bị thương 13 người và hư hại 226 căn nhà, công trình công cộng... Ước tính thiệt hại khoảng 8,5 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, cho biết đơn vị chủ động mở các cống trên địa bàn tỉnh và phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam vận hành mở tất cả cửa cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô để tiêu thoát nước, chống ngập úng tại những khu vực trũng thấp.
Còn tại huyện miền núi Tri Tôn, tỉnh An Giang có 14 căn nhà bị thiệt hại; khoảng 4.877 ha lúa, hoa màu và diện tích nuôi thủy sản bị ảnh hưởng; hàng chục km đường tỉnh đi qua địa bàn huyện bị ngập nặng từ 50 - 80 cm, giao thông gián đoạn và nước tràn vào gây ngập nhiều nhà dân. Ngoài ra, toàn huyện còn có 17 điểm trên nhiều tuyến đường bị sạt lở và hư hỏng nặng. Riêng xã Lương Phi còn bị sạt lở đất, đá.
Ông Đỗ Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, cho biết chính quyền và người dân đang khẩn trương bơm nước ra để cứu lúa. Ngoài ra, các khu vực sạt lở trên núi và các tuyến đường, địa phương cho cắm biển báo, lắp đèn chiếu sáng để cảnh báo cho người dân.
UBND TP Cần Thơ cho biết trong 6 tháng đầu năm toàn thành phố xảy ra 26 vụ sạt lở bờ sông, làm bị thương 2 người, ảnh hưởng đến 24 căn nhà. Tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 924 m, với thiệt hại khoảng 19 tỉ đồng.
Hiện nay thành phố đang giao cho Chi cục Thủy lợi làm chủ đầu tư 3 dự án xây dựng kè chống sạt lở sông Ô Môn với tổng mức đầu tư hơn 410 tỉ đồng. Các dự án này góp phần phòng chống sạt lở, giữ ổn định bờ sông Ô Môn, bảo đảm an toàn, ổn định lâu dài cho dân cư đang sinh sống trong khu vực.
Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ
Trong Công điện 691/CĐ-TTg, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh chủ động chỉ đạo, triển khai công tác khắc phục hậu quả đợt thiên tai, mưa lớn vừa qua, bảo đảm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Kiên Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện chế độ, chính sách đối với các cán bộ CSGT bị nạn theo quy định; chỉ đạo đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân và rút kinh nghiệm về sự cố sạt lở; kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các khu vực có nguy cơ sạt lở, có phương án chủ động bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 20 và các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với các địa phương, nhất là UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương xử lý, khắc phục ngay các vị trí bị sạt lở, ngập sâu, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng để có biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính, đặc biệt là tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và tuyến Quốc lộ 20 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất (đặc biệt tại các vùng sườn đồi dốc, bờ kè ta-luy dương, đường đèo), các khu dân cư ven sông, suối nhỏ, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; lắp đặt biển cảnh báo các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở.
Rà soát lại các điểm có nguy cơ sạt lở
Sáng 31-7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có mặt tại hiện trường vụ sạt lở ở chốt CSGT đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhận định hơn nửa năm qua tình hình thiên tai thời tiết tại địa phương diễn biến phức tạp. Mưa lớn kéo dài dẫn tới nền đất yếu đã gây ra các vụ sạt lở đất, sạt trượt công trình. Khi sự cố đèo Bảo Lộc xảy ra, địa phương huy động hơn 200 người và gần 20 phương tiện tìm kiếm nạn nhân.
Ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, thông tin trên toàn tỉnh có 163 điểm sạt lở đất và có nguy cơ cao. Trong bối cảnh giao thông tại địa phương đang bị chia cắt, ông Quận mong muốn Bộ GTVT quan tâm bảo trì, bảo dưỡng các tuyến đường do bộ đang quản lý. Đồng thời, mong Phó Thủ tướng quan tâm thúc đẩy các bộ, ngành tháo gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh dự án đường cao tốc qua địa bàn tỉnh.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho hay đang phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng khảo sát nhằm có phương án xử lý, ngăn không để xảy ra các vụ việc tương tự. Ngoài phương án ứng trực trong giai đoạn thời tiết diễn biến cực đoan, Bộ GTVT cũng tính luôn cả phương án sạt đường, nứt đường và giải pháp khắc phục để nối lại giao thông nhanh nhất nếu có sự cố.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao tỉnh Lâm Đồng cùng các bộ, ban, ngành trung ương nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho các cán bộ CSGT đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại chốt đèo Bảo Lộc.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng tình hình mưa bão tại tỉnh Lâm Đồng diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường và yêu cầu rà soát lại các điểm có nguy cơ sạt lở. "Trước mắt là 163 điểm phải rà soát lại, nếu có nguy cơ thì phải có biện pháp xử lý và dự phòng. Đặc biệt là di dời dân, tuyệt đối không để mất người nào nữa" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về đề xuất xây dựng đường cao tốc của tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Văn phòng Chính phủ ghi nhận và báo cáo Thủ tướng để có chỉ đạo, ưu tiên nhất định cho tỉnh.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đến nhà viếng cán bộ CSGT Lê Ánh Sáng và chia sẻ, động viên, thăm hỏi gia quyến cán bộ CSGT vừa hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn trên đèo Bảo Lộc.
Tr.Nguyên
Kênh Thanh Đa vẫn sạt lở
Chiều 31-7, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết về xử lý sạt lở một đoạn kè kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh), sở đang đề nghị khảo sát mở rộng phạm vi sạt lở ở đoạn kè trước và sau vị trí sạt. Về giải pháp bảo đảm an toàn khu vực kè bị sạt lở, theo ông Bùi Hòa An, Sở GTVT sẽ kiến nghị UBND TP HCM các giải pháp, trong đó có giảm tải cho công trình qua thực hiện tháo dỡ các nhà dân, vật kiến trúc trong phạm vi cách đỉnh kè vào phía bờ 10 m và dọc bờ phải kênh 200 m tính từ cầu Kinh về phía hạ lưu.
Báo cáo ngày 27-7 của Trung tâm Quản lý đường thủy (thuộc Sở GTVT), qua quan trắc nhận thấy khu vực này tiếp tục sạt lở. Cụ thể, tại đoạn kè từ điểm 10 đến 22 chuyển vị theo phương ngang từ 22 cm đến 32 cm, tại đoạn kè từ các điểm 16 đến 30 chuyển vị theo phương đứng lớn từ -24 cm đến -31 cm...
T.Hồng
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/sat-lo-ngap-ung-nhieu-noi-20230731215822389.htm