Sạt lở tiếp tục bủa vây

Đăng ngày: 12-07-2021 | Lượt xem: 1677
Với 53 điểm cảnh báo nguy cơ sạt lở trên địa bàn An Giang, lãnh đạo tỉnh này chỉ đạo các sở - ngành chức năng tập trung rà soát, khoanh vùng, thiết lập hành lang an toàn, có biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân

Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, cho biết UBND tỉnh vừa chỉ đạo các sở - ngành chức năng huy động nguồn lực ứng phó sạt lở có nguy cơ xảy ra trên địa bàn.

Thắc thỏm bên miệng "hà bá"

Tỉnh An Giang là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của sạt lở từ nhiều năm nay. Trong lúc sạt lở có nguy cơ cao tiếp tục diễn ra trong mùa mưa bão năm nay, người dân trong vùng nguy hiểm đang gặp nhiều khó khăn tìm nơi ở mới để ổn định kế sinh nhai.

Một điểm sạt lở ở huyện An Phú, tỉnh An Giang khiến người dân phải di dời nhà khẩn cấp

Tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, nhiều gia đình, trong đó có hộ ông Nguyễn Kim Nguyên (56 tuổi), đang nằm trong khu vực cảnh báo sạt lở nguy hiểm. Gia đình ông Nguyên thuộc diện khó khăn. Dù chính quyền địa phương nhiều lần yêu cầu gia đình phải di dời vào khu dân cư sinh sống nhưng ông cùng với 7 người thân vẫn chưa thể thực hiện được. Lý do là vì vợ ông Nguyên không may bị tai nạn giao thông từ 6 năm qua, thu nhập từ nghề làm thuê của ông không đủ lo tiền thuốc thang cho vợ, nuôi nấng con cái.

"Lúc nào tôi cũng thắc thỏm. Sợ nhất là đêm khuya xảy ra mưa gió, nếu có chuyện gì thì không biết tính sao. Ở đây cũng có vài trường hợp giống gia đình tôi nhưng họ đã tháo dỡ nhà rồi đi thuê chỗ ở khác" - ông Nguyên lo lắng.

Nằm ven dòng sông Hậu, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân có nhiều điểm đang có nguy cơ sạt lở cao. Trong những năm qua, nơi đây xảy ra hàng loạt vụ sạt lở nặng. Ông Giáp Văn Hồng (ngụ xã Hòa Lạc) dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, chỉ phần diện tích bị nước ngoạm. Phần đất của gia đình ông trước đây có chiều dài ra mé sông hơn 60 m nhưng nay đã bị sạt lở hơn 2/3.

"Không rõ lý do vì sao mà sạt lở càng ngày càng nhanh hơn, dù từ lâu không còn tình trạng ghe, tàu đến đây múc cát. Hồi trước, bà con ở đây tận dụng phần đất ven sông này để trồng rau màu, đào ao nuôi cá nên ai cũng sống khỏe. Còn bây giờ, nhiều nơi đã chìm trong biển nước" - ông Hồng ngậm ngùi.

Tập trung ứng phó

Từ đầu năm đến nay, ở 2 huyện Chợ Mới và An Phú của tỉnh An Giang xảy ra 12 điểm sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh rạch.

Mới đây, tại khu vực gần Trạm Y tế xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới xảy ra sụt lún với chiều dài khoảng 60 m. Vị trí đoạn sụt lún nằm ngay đoạn cua của rạch Ông Chưởng nên nguy cơ sạt lở lan rộng rất cao. Từ đầu tháng 6 đến nay, tình trạng sụt lún vẫn tiếp diễn và xuất hiện nhiều vết nứt từ 0,2-0,5 m. Do sạt lở, đã có 11 căn nhà dân sụp xuống sông. Chính quyền địa phương đang khẩn trương hỗ trợ người dân vận chuyển tài sản và tháo dỡ nhà đến nơi an toàn.

Cũng ở huyện Chợ Mới, trên tuyến đường cặp kênh Thầy Cai đoạn qua xã Mỹ An vừa xuất hiện 3 đoạn sạt lở với tổng chiều dài 90 m. Nơi đây từng xảy ra 5 vụ sạt lở với tổng chiều dài hơn 170 m, ảnh hưởng hàng chục hộ dân.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh An Giang vừa công bố kết quả quan trắc, cho biết toàn tỉnh đang có 53 điểm cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức trung bình đến rất nguy hiểm với tổng chiều dài hơn 171 km, tập trung ở các tuyến sông, kênh, rạch chính như sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di, sông Châu Đốc, sông Cái Vừng, kênh xáng Tân An, rạch Ông Chưởng, rạch Cái Sắn.

Trong 53 điểm cảnh báo sạt lở này, 6 điểm cảnh báo rất nguy hiểm. Chưa kể, đoạn nằm ngay bờ trái sông Hậu (dài 7 km, kéo dài từ kênh xáng Tân An đến ngã ba sông Châu Ðốc thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở với phạm vị rộng hơn.

Theo ghi nhận của Sở TN-MT tỉnh An Giang, tại khu vực này, tốc độ xâm thực bờ 5-10 m/năm. Từ năm 2012 đến nay, có đoạn sạt lở lấn sâu vào bờ 85-120 m, gây thiệt hại nhiều về đất đai, nhà dân. Đến nay, hơn 200 hộ dân nơi đây đã được di dời.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh An Giao giao Sở TN-MT phối hợp các sở - ngành liên quan tập trung rà soát, khoanh vùng có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cắm biển báo phạm vi sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn và tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến sạt lở, có biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân.

Theo Người lao động

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: