Bộ đội dầm mình gặt lúa giúp dân
Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn cộng với thủy điện xả lũ nên đã gây ngập lụt diện rộng trên địa bàn. Có 64 xã, phường, thị trấn với 5.567 hộ bị ngập lụt, có nơi ngập sâu hơn 3m. Mưa lũ còn khiến hàng nghìn héc-ta diện tích lúa hè thu, rau màu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy hải sản bị ngập, nhiều cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế... bị thiệt hại nặng.
Huyện Hương Khê có 18 xã bị ngập cục bộ; trong đó, có 9 xã bị cô lập với 2.733 hộ dân bị ngập lụt, trong đó 2.033 hộ ngập trên 1m. Toàn bộ trường học trên địa bàn huyện đã phải hoãn ngày khai giảng năm học mới do mưa lớn và lũ lụt chia cắt...
Để ứng phó với mưa lũ, Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Hương Khê đã điều động hơn 700 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, dân quân cơ động tham gia ứng trực và di dời, sơ tán nhân dân tại các khu vực trọng điểm ngập sâu, chia cắt trên địa bàn toàn huyện như: Phương Điền, Phương Mỹ, Hương Giang, Hương Thủy, Hà Linh, Gia Phố, Hòa Hải.
Tại xã biên giới Hòa Hải (Hương Khê) có 6/13 thôn bị ngập sâu. Ngay khi nước rút, Đồn Biên phòng Hòa Hải đã huy động tối đa quân số xuống địa bàn giúp dân dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa.
Tranh thủ nước rút, đơn vị huy động tối đa cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Mọi công việc đang được triển khai rất khẩn trương, trong đó ưu tiên việc vệ sinh trường học, giúp các gia đình người có công, người nghèo...
Để kịp thời giúp nhân dân các vùng bị thiệt hại, ngay sau khi nước lũ rút, Bộ CHQS và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Tĩnh đã điều động gần 400 cán bộ, chiến sĩ thường trực phối hợp với lực lượng dân quân, tự vệ cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương giúp nhân dân thu hoạch nông sản, dọn vệ sinh các khu vực công cộng; đặc biệt, vệ sinh, sửa chữa trường học để các em được đến trường trong thời gian sớm nhất.
|
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 841, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh giúp nhân dân Hà Tĩnh thu hoạch lúa. Ảnh: Viết Lam |
Tại xã Hồng Lộc (huyện Lộc Hà), hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lộc Hà, Trường Quân sự tỉnh và Trung đoàn 841 đã dầm mình trong nước giúp nhân dân thu hoạch lúa. Nước lũ tuy đã rút nhưng bông lúa ngập dưới nước nhiều ngày nên có dấu hiệu nảy mầm. Dầm mình dưới nước nhiều giờ, chân thì đỉa cắn, trên đầu trời nắng như thiêu... vất vả là thế nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ đều hăng say làm việc như đang làm cho chính gia đình mình.
Đại tá Nguyễn Tất Nhân, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh cho chúng tôi biết: “Từ đầu đợt lũ đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã điều động hơn 400 lượt cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và 800 cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ tại các địa phương đến những nơi thiệt hại nặng giúp đỡ nhân dân.
Trước mắt ưu tiên giúp các điểm trường để các em học sinh đi học trở lại trong thời gian sớm nhất. Đồng thời giúp gia đình người có công, gia đình neo đơn dọn vệ sinh, thu hoạch nông sản trong vùng ngập lũ, góp phần giúp nhân dân trên địa bàn sớm ổn định cuộc sống”.
Dọn trường để học sinh sớm đi học trở lại
Còn tại Quảng Bình, mặc dù nước đã rút xuống 1m nhưng tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, điểm lũ cao nhất đo được vẫn trên 3m. Tân Hóa là vùng rốn lũ nên bà con đã có chuẩn bị sẵn từ trước.
Vào mùa mưa lũ, bà con tích trữ lương thực, đặc biệt là sử dụng phuy nhựa lót dưới sàn nhà, thực hiện mô hình giống nhà dân vùng lũ. Nên khi nước lũ đổ về, nhiều nhà đã nổi theo con nước. Thế nhưng, Tân Hóa vẫn còn 630 ngôi nhà bị ngập sâu, trong đó có 40 ngôi nhà bị ngập tới nóc.
Cả vùng mênh mang nước như đồng bằng sông Cửu Long mùa lũ về. Dù xã Tân Hóa là địa bàn nội địa, nhưng BĐBP Quảng Bình vẫn triển khai lực lượng bao gồm 1 ca nô, 1 ô tô và 10 cán bộ, chiến sỹ, do Trung tá Hoàng Xuân Long, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật BĐBP tỉnh trực tiếp chỉ đạo, hàng ngày giúp bà con nhân dân vận chuyển lương thực, thực phẩm từ ngoài vào vùng cô lập phục vụ đời sống.
Người dân hiện vẫn còn phải sống trong cảnh nhà nổi, tổng trị giá thiệt hại của đợt mưa lũ này lên đến hơn 15 tỷ đồng; giúp nhân dân xã khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trong những ngày vừa qua, từ ngày 7/9 đến nay, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 968 (Quân khu 4) đã về Tân Hóa.
Khó khăn nhất của bà con nhân dân bây giờ là thức ăn và nước uống không bảo đảm vệ sinh. Thượng tá Kiều Thanh Hải, Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 968, cho biết, với phương châm nước rút đến đâu, dọn sạch đến đó, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 968 đã cùng bà con nhân dân tổ chức dọn dẹp vệ sinh các công trình công cộng; giúp các hộ gia đình dọn dẹp nhà cửa, vận chuyển tài sản sơ tán trở về gia đình.
Tại các trường học của xã, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 968 cũng đang ra sức tích cực dọn dẹp bùn, đất, vệ sinh các trang thiết bị, phấn đấu để các em được đến trường học tập sớm nhất so với dự kiến.
Hiện, các trụ sở ủy ban nhân dân xã, bệnh xá, bưu điện, 3 nhà văn hóa thôn, 5 trường học và hơn 15km đường đều đã được vệ sinh sạch sẽ. Trong những ngày tới, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 968 sẽ tiếp tục giúp nhân dân khắc phục hậu quả để nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Từ sáng 8/9, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ BĐBP, Công an, Quân sự thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương lên đường đến các khu vực trọng điểm giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bà con nhân dân sớm vượt qua khó khăn trước mắt.
Mặc dù nước lũ đã rút nhưng đồng bào vùng cao thuộc địa bàn biên giới như làng Ho, huyện Lệ Thủy, làng Mô, xã Trường Sơn và đồng bào Rục thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa và một số nơi khác vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả thiên tai gây nên. Những ngày qua, BĐBP Quảng Bình đã có 450 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với nhiều lực lượng khác để khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Các đồn biên phòng tuyến biển sắp xếp, bố trí lực lượng bám địa bàn để nắm tình hình thiệt hại và tiếp tục phối hợp tìm kiếm những nạn nhân mất tích, động viên nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Đối với những gia đình chính sách, neo đơn bị thiệt hại nặng, các đơn vị đã cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết, giúp đỡ thu dọn vệ sinh để người dân yên tâm sinh hoạt.
Theo baophapluat.vn