Tăng cường vận động ngư dân nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai mùa mưa bão

Đăng ngày: 15-09-2019 | Lượt xem: 1106
Cửa biển Hố Gùi, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Tân Tiến, BĐBP Cà Mau quản lí hiện nay có 103 phương tiện, công suất từ 90CV trở xuống, đang hoạt động các nghề đóng đáy, cào cạn, lưới và đẩy te ruốc. Những năm gần đây, nghề đánh bắt truyền thống này kém hiệu quả nên họ đã chủ động chuyển đổi nhiều nghề khác nhau theo mùa vụ để đảm bảo cuộc sống. Tuy nhiên, công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện trong mùa mưa bão đang gặp nhiều khó khăn.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng Hố Gùi vận động ngư dân mặc áo phao trước khi xuất bến. Ảnh: Lê Khoa

Sau 1 tuần đánh bắt trên biển, anh Lê Búa, quê Gành Hào, Bạc Liêu, chủ phương tiện nghề lưới cho phương tiện vào cửa biển Hố Gùi, Cà Mau bán sản phẩm, sau đó quay ra biển tiếp tục hoạt động. Anh Búa cho biết, làm nghề trên biển thì thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy, từ thời tiết thất thường đến rủi ro trong lao động, hư hỏng máy, nhất là vào mùa này, mưa dông bất thường nên tranh thủ thời gian nào biển êm thì người dân mới bám biển đánh bắt. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, thu nhập mỗi chuyến đi biển của 5 anh em trên phương tiện chỉ dừng lại ở mức 4-5 triệu đồng/tháng.

Do phương tiện trọng tải nhỏ, nên sóng gió cấp 5 là không thể ra biển, hoặc cũng có khi sóng gió quá, không thả lưới được thì lỗ chi phí tiền nhiên liệu. Nhưng sống ở biển, làm nghề biển thì phải cố gắng bám biển. Mỗi lần ra biển, anh Búa cũng như ngư dân ở đây luôn được anh em ở Trạm Kiểm soát Biên phòng Hố Gùi nhắc nhở phải đảm bảo trang thiết bị an toàn cho người và phương tiện, khi nghe tin thời tiết xấu là phải vào bờ ngay. Nếu không vào thì cán bộ đồn Biên phòng cũng kêu gọi vào. 

Anh Trương Minh Điện, ngụ ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân cho biết, nghề đánh bắt, khai thác thủy sản của ngư dân vùng này phương tiện nhỏ, vốn đầu tư không có, đa số hoạt động trong mé cạn. Do đặc thù của vùng biển phía Đông của tỉnh thường là bãi cạn, sóng ngang, nếu không nắm chắc quy luật của sóng và luồng lạch là mắc cạn, nên chỉ sóng gió cấp 3 là phương tiện ra, vào gặp nhiều nguy hiểm. Thấy hoàn cảnh của ngư dân khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Tiến thường xuyên đến động viên, thăm hỏi và nhắc nhở về đảm bảo trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện khi ra biển. Nếu thấy thời tiết thay đổi, biển động là kiên quyết không cho ra biển.

Cũng theo anh Điện, đa số ngư dân ở vùng cửa biển Hố Gùi từ trước tới nay chỉ sử dụng loại phương tiện nhỏ, hoạt động gần bờ, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Việc đầu tư đóng mới phương tiện của ngư dân vùng này chỉ mang tính tự phát để có công ăn việc làm. Nếu có vốn đầu tư đóng phương tiện lớn để vươn khơi thì kỹ thuật, kinh nghiệm đánh bắt cũng không có. Tuy phương tiện của gia đình chỉ có công suất 90CV và trọng tải trên 10 tấn, nhưng thuộc loại lớn của địa phương. 

Trong số trên 100 phương tiện thì có đến trên 60 phương tiện hành nghề bãi cạn không đảm bảo ra biển khai thác, đánh bắt, chính vì vậy, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Tiến thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con tự trang bị các thiết bị an toàn khi ra biển.

Trung tá Lê Văn Giáp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Tiến cho biết, đảm bảo phòng, chống giảm nhẹ thiên tai ở địa bàn Đồn Biên phòng Tân Tiến là vấn đề quan trọng, bởi có nhiều phương tiện nhỏ, nhiều hộ gia đình còn chủ quan trong công tác đảm bảo an toàn khi lao động trên biển; nhất là những hộ dân sử dụng phương tiện thủy nội địa ra biển hoạt động các nghề thả lưới, đăng cá kèo, cào sò, không chỉ làm mất an ninh trật tự trên địa bàn, mà còn gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lí và bảo vệ nguồn tài nguyên biển. Đối với loại phương tiện nhỏ này, chỉ một cơn lốc xoáy bất ngờ xảy ra thì thiệt hại về người và tài sản là rất lớn, nhưng vì lợi ích trước mắt mà bà con bất chấp nguy hiểm.

Để chủ động phòng, chống giảm nhẹ thiên tai năm 2019, đơn vị đã lên kế hoạch, thường xuyên tổ chức huấn luyện, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra trên địa bàn. Tăng cường lực lượng, thường xuyên phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống giảm nhẹ thiên tai. “Những phương tiện nhỏ không đảm bảo an toàn, đơn vị kiên quyết không cho ra biển, tránh để xảy ra những vụ việc đáng tiếc đối với ngư dân. Đối với số hộ dân đang sinh sống ở ven sông, nơi có nhiều nguy cơ sạt lở đất, đơn vị cũng đã phối hợp với địa phương tuyên truyền, giải thích về sự nguy hại của dông lốc và sạt lở đất để bà con chủ động di dời phòng tránh” - Trung tá Lê Văn Giáp nhấn mạnh. 

Theo bienphong.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: