Thanh Hóa: Kêu gọi hơn 7.100 phương tiện nghề cá vào bờ tránh bão số 7

Đăng ngày: 14-10-2020 | Lượt xem: 909
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 7, tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi hơn 7.100 phương tiện nghề cá vào bờ tránh, trú an toàn.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến 16h ngày 13/10, toàn tỉnh Thanh Hóa có 7.194 phương tiện nghề cá, với 26.532 lao động đã về bến an toàn; còn lại 17 phương tiện với 84 lao động đang hoạt động trên vùng biển Thanh Hóa. Các phương tiện đều nắm được thông tin, diễn biến của bão số 7 và giữ liên lạc với bờ bình thường. 

Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển thông báo, kêu gọi, hướng dẫn 17 phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương vào bờ để tránh trú bão an toàn.

Thanh Hóa: Kêu gọi hơn 7.100 phương tiện nghề cá vào bờ tránh bão số 7 - Ảnh 1.

Tàu, thuyền neo đậu tại cảng Hới, TP Sầm Sơn

Chiều 13/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã ban hành Công điện khẩn số 25/CĐ-UBND, chỉ đạo các địa phương và các ngành chức năng chủ động và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ứng phó với cơn bão số 7 sắp đổ bộ vào đất liền. Từ 19h ngày 13/10 đến khi bão suy yếu và tan dần, tỉnh Thanh Hóa cấm tất cả các phương tiện hoạt động trên biển.

Cũng trong chiều 13/10, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa; Phạm Đăng Quyền, Nguyễn Văn Thi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống với cơn bão số 7 tại huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, TP Sầm Sơn, Thị xã Nghi Sơn.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu lãnh đạo các huyện, các xã thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh qua các công điện và văn bản chỉ đạo trước đó.

Theo đó, phải tuyên truyền cho người dân chủ động công tác phòng tránh; tuyệt đối không để người dân ở lại trên các thuyền, bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; bảo vệ an toàn cho du khách đang nghỉ dưỡng tại các khu du lịch trên địa bàn. Kêu gọi chủ tàu và ngư dân rời tàu, thuyền đang neo đậu để bảo đảm an toàn.

Các huyện phải mở tất cả các cống tiêu để tiêu thoát nước, hạn chế đến mức tối thiểu tình trạng ngập úng xảy ra trong những ngày tới. Với những vị trí xung yếu trên các tuyến đê, cống trên đê, các xã phải cử người tuần tra, canh gác liên tục để có giải pháp khắc phục ngay khi có sự cố.

Các địa phương phải khẩn trương rà soát, chủ động phương án di dân khu vực ven biển. Việc neo đậu tàu, thuyền phải lưu ý đến phương án phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an ninh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra...

Theo baodansinh.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: