Thiên tai bủa vây - Ứng phó thế nào?

Đăng ngày: 26-07-2020 | Lượt xem: 1990
Miền Bắc Trung bộ vừa phải hứng chịu những đợt nắng nóng, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn, và vừa phải đối mặt với mùa bão lũ cận kề.

Đợt mưa lũ ngày 20, 21/7 gây sạt lở nghiêm trọng ở Hà Giang. Ảnh: Bảo Châu

Từ nay đến cuối năm, khu vực miền núi phía Bắc được dự báo sẽ tiếp tục xảy ra các hình thái thiên tai cực đoan. Khốc liệt hơn, khu vực miền Bắc Trung bộ vừa phải hứng chịu những đợt nắng nóng, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn, và vừa phải đối mặt với mùa bão lũ cận kề. Làm gì để giảm thiểu những tác hại do thiên tai gây ra đang được Bộ NNPTNT nỗ lực lên kịch bản, tìm giải pháp ứng phó.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) vừa thông tin: Từ đầu năm đến nay lượng mưa ở khu vực Bắc Trung bộ (6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế), phổ biến từ 200 - 500mm, thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ từ 30-60%. Trong khi đó, từ tháng 5/2020 nắng nóng liên tục gia tăng trên diện rộng, kéo dài, nhiệt độ cao nhất thực đo trong các đợt nắng nóng từ 38 đến 40 độ C, có nơi trên 40 độ C. Nhiệt độ trung bình tháng 6/2020 ở khu vực cao hơn TBNN từ 1,5-2,5 độ C; nửa đầu tháng 7/2020, nhiệt độ cao hơn TBNN trên 2,0 độ C. Theo ghi nhận, hạn hán đang xảy ra ở Nghệ An là đợt hạn kỷ lục, nặng nhất trong gần 50 năm qua. Hơn 70 ngày không có mưa khiến Nghệ An thiếu nước trầm trọng.

Bắc Trung bộ vừa hạn hán, vừa bão lũ

Lượng mưa ít, cùng với nắng nóng đã khiến cho nhiều hồ thủy lợi trên khu vực Bắc Trung bộ cạn kiệt. Dung tích trữ của các hồ thời điểm đầu mùa khô đạt 85% dung tích thiết kế. Hạn hán đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt người dân và sản xuất nông lâm nghiệp trong cả vùng. Đáng chú ý, có khoảng 46.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Khoảng 8.200 ha đang phải điều chỉnh giãn, dừng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng; 25.970 ha diện tích đang bị hạn hán, thiếu nước. Ngoài ra, từ đầu mùa khô 2019-2020, khu vực đã có 48 vụ cháy rừng, bên cạnh đó xâm nhập mặn diễn biến phức tạp.

Tổng cục Thuỷ lợi dự báo, thời gian tới, trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ trung bình tháng 8- 9/2020 phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0 độ C, các đợt nắng nóng còn xảy ra trong tháng 8/2020 ở khu vực Bắc Trung bộ. Tổng lượng mưa dự báo trong tháng 8 - 9/2020 ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ; tháng 10/2020 ở mức cao hơn TBNN từ 10-20%... Với Bắc Trung bộ, đây là khu vực đặc biệt khi vừa phải chịu hậu quả nặng nề từ nắng nóng, hạn hán, vừa chống hạn hán, xâm nhập mặn, tới đây phải đối mặt với lũ lụt, ngập nước.

Những cánh đồng khô cháy ở Hà Tĩnh.
Những cánh đồng khô cháy ở Hà Tĩnh.

Miền núi phía Bắc và những trận lũ bất thường

Tương tự, từ cuối tháng 6 đến nay, mưa lũ tại Lào Cai, Hà Giang và một số tỉnh phía Bắc gây thiệt hại nặng nề. Riêng Hà Giang có 5 người chết, con số thiệt hại lên tới 500 tỷ đồng với gần 3.000 ngôi nhà ở TP Hà Giang,6 ngôi làng ở huyện Bắc Mê bị ngập úng và gần 100 ngôi nhà bị lũ cuốn, đất đá vùi lấp…Ngoài ra, do ảnh hưởng mưa lớn nên hai nhà máy thủy điện Thuận Hòa và Thái An bị đất, đá vùi lấp hoàn toàn máy móc.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Chúng ta có thể nhận dạng được những thách thức rất lớn đặt ra đối với khu vực miền núi phía Bắc. Trước hết, dạng hình thiên tai về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét là dạng hình thiên tai thường xuyên xảy ra mấy năm gần đây. Chính dạng hình thiên tai này đã gây tỷ lệ tử vong cao nhất trong những năm gần đây trong khi đó lại là dạng hình thiên tai điển hình của khu vực do đặc trưng về kiểu địa hình dễ hình thành nên sạt lở, lũ ống, lũ quét.Một nguy cơ rất cao phải kể đến do đây là vùng có các hồ thuỷ điện lớn, hồ thuỷ lợi lớn, tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro nếu công tác phòng chống, ứng phó không chủ động ngay từ đầu thông qua hình thức liên hồ chứa, vận hành một quy trình hợp lý, hài hoà.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải lường trước vấn đề, mặc dù hiện nay đang thời tiết nóng, hạn, nhưng Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã dự báo, những tháng cuối năm ở khu vực này đi đôi với mưa, lũ lớn sẽ xuất hiện các hình thái cực đoan khác như mùa đông lạnh. Do vậy, có thể nói các tỉnh miền núi phía Bắc là vùng điển hình mà lúc nào cũng phải chuẩn bị trước kịch bản ứng phó với hai đầu cực đoan: “nóng nhất - lạnh nhất, hạn nhất - lũ nhất”.

Góp tiếng nói từ địa phương, ông Đặng Văn Châu- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lai Châu cho hay, kỹ năng phòng chống thiên tai của cộng đồng còn hạn chế, cơ sở hạ tầng còn thiếu gắn kết, nhiều công trình thủy lợi, thủy điện xuống cấp, thiếu các thiết bị chuyên dùng để nắm bắt tình hình là những thách thức trong ứng phó thiên tai của các địa phương khu vực miền núi phía Bắc hiện nay. Trong đó nhất là kinh phí vật chất và các trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động “4 tại chỗ” để khi có tình huống xấu xảy ra có thể ứng xử tốt nhất.

Giao thông khó khăn qua xã Quảng Ngần đi Thượng Sơn (huyện Vị Xuyên, Hà Giang).
Giao thông khó khăn qua xã Quảng Ngần đi Thượng Sơn (huyện Vị Xuyên, Hà Giang).

Ứng phó thế nào?

Về biện pháp chống hạn tại khu vực Bắc Trung bộ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Biện pháp quan trọng lúc này là tranh thủ tối đa điều phối nước; Tập trung bằng mọi cách, từ chuyển nước, bơm cưỡng bức, nạo vét, cho đến dùng các loại máy bơm nhỏ để hỗ trợ cho được 26.000 ha. Áp dụng quy trình tưới luân phiên, ưu tiên cây sắp thu hoạch phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. “Riêng 46.600 hộ thiếu nước bằng mọi giá không để dân thiếu nước, kể cả phải áp dụng biện pháp chở nước đến cho dân”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Về lâu dài phải xác định biến đổi khí hậu sẽ còn gay gắt hơn nên Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng thích ứng 2 đầu, hạn cũng được mà mưa cũng không bị thiệt hại.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị rà soát lại toàn bộ cơ cấu sản xuất kể cả cây trồng vật nuôi. Rà soát kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai của các tỉnh theo tinh thần của Chỉ thị 42. Đặc biệt, không được chủ quan. Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi tập hợp kiến nghị của địa phương và làm việc với Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí chống hạn, hỗ trợ kinh phí để sửa chữa 1.200 hồ chứa nước phục vụ cho đời sống và sản xuất.

Với các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Trước tác động biến đổi khí hậu với những hình thái cực đoan xảy ra vô cùng khốc liệt đòi hỏi chúng ta phải rà soát lại khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách, những vấn đề trước mắt và các nhóm giải pháp lâu dài. Có thể kể đến như toàn bộ những cơ chế chính sách để làm sao các đai rừng, thảm rừng phục hồi một cách chất lượng và nhanh nhất… Bởi đang có hiện trạng, tình hình dân cư của 13 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đang bố trí không đảm bảo an toàn kể cả cho dân sinh, sản xuất…

“Đây là vùng điển hình mà lúc nào chúng ta cũng phải chuẩn bị trước kịch bản ứng phó. Muốn làm được điều đó, chúng ta không có biện pháp nào khác, ngoài việc chủ động, tăng cường năng lực kể cả trong dự báo, trong ứng phó, kể cả trong phục hồi, tái sản xuất theo phương châm “4 tại chỗ”. Và chính quyền, nhân dân ở cơ sở cần được nâng cao năng lực là một trong những biện pháp ban đầu quan trọng nhất và quyết định”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành NNPTNT cũng lưu ý, tới đây, phải tổng rà soát lại toàn bộ dân cư của 13 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc để đưa ra lộ trình tổng thể bố trí, sắp  xếp lại dân cư đảm bảo tính an toàn cao nhất. Bên cạnh đó, phương thức sản xuất cũng phải đảm bảo thích ứng nhất theo điều kiện: Bất kỳ tình huống nào của những điều kiện bất thuận thời tiết xảy ra thì những hình thái sản xuất đó cũng góp phần giảm thiểu rủi ro đến mức cao nhất.

* Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, đi đôi với những giải pháp ứng phó với thiên tai trước mắt, chúng ta cần tính toán đến những câu chuyện dài hơi hơn từ các chương trình, dự án để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, biện pháp chỉ đạo của từng cấp từ Ban Chỉ đạo Trung ương đến Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của tỉnh, huyện, xã. Đồng thời, tổng huy động nguồn lực, trong đó toàn thể nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, lúc nào cũng thường trực với phương châm “phát triển đi đôi với bền vững” để có biện pháp thích ứng rộng rãi.

* Theo Bộ NNPTNT, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020. 100% lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng phòng chống thiên tai; chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng chống lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực dân cư tập trung và trọng điểm kinh tế xã hội; giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước.

Theo daidoanket.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: