Hiện trường vụ cháy rừng tại Taree, New South Wales, Australia. Ảnh: THX/ TTXVN
Munich Re cho biết, khoảng 9.000 người đã thiệt mạng trong 820 thảm họa thiên nhiên trên toàn cầu trong năm ngoái, giảm đáng kể so với con số 15.000 người của năm trước đó, nhờ các biện pháp ngăn chặn hiệu quả hơn.
Theo Munich Re, tỷ lệ những thiệt hại được bảo hiểm ở mức trung bình 10 năm là 35%, cho thấy phần lớn vẫn không được bảo hiểm, đặc biệt là ở các nước mới nổi và đang phát triển.
Thành viên Hội đồng Quản trị Munich Re, Torsten Jeworrek, cho rằng những trận lốc xoáy lớn trong năm 2019 đã cho thấy tầm quan trọng của việc phải nhận thức về những thay đổi của những rủi ro. Ông nói đến việc tác động dài hạn của biến đổi khí hậu có thể đã được cảm nhận.
Munich Re nhấn mạnh rằng các thảm họa riêng lẻ có thể không phải là do tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy sẽ có những yếu tố dài hạn về môi trường khiến cháy rừng dễ xảy ra hơn, đặc biệt là ở phía Nam và phía Đông Australia.
Chuyên gia Ernst Rauch của Munich Re cho rằng để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu cần có những biện pháp như hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả hơn hay sử dụng các vật liệu xây dựng có sức chống chịu tốt hơn.
Trong khi đó, một báo cáo của Trung tâm Thông tin môi trường quốc gia của Mỹ công bố ngày 8/1 cho thấy số thảm họa liên quan đến thời tiết và khí hậu gây thiệt hại trên 1 tỷ USD tại Mỹ tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, với tổng mức thiệt hại gây ra vượt 800 tỷ USD.
Theo báo cáo, từ năm 2010 đến năm 2019, có 119 thảm họa như lũ lụt, bão và cháy rừng, với thiệt hại trên 1 tỷ USD. Con số này tăng hơn gấp đôi so với mức 59 thảm họa trong giai đoạn 2000-2009.
Trong năm 2019, số thảm họa là 14, với tổng mức thiệt hại là 45 tỷ USD./.
Theo TTXVN