|
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến kè bảo vệ đê hữu Đáy (đoạn xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức) phục vụ công tác phòng, chống thiên tai năm 2019. |
- Từ thực tiễn năm 2018, Hà Nội đã rút ra những bài học kinh nghiệm gì trong công tác phòng, chống thiên tai, thưa ông?
- Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải lấy phòng ngừa, dựa vào nhân dân, chính quyền cơ sở là chính. Các đơn vị, địa phương phải nắm vững các kỹ năng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thực hiện tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Đặc biệt, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, gắn liền với quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Trên cơ sở này, các đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về thiên tai, khắc phục tư tưởng chủ quan trong cán bộ, nhân dân; rà soát, xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai theo nội dung của Luật Phòng, chống thiên tai. Trong đó, những nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện là xây dựng kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn, với mức độ rủi ro cao nhất; gắn trách nhiệm, đánh giá, xếp loại người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…
- Thực tế cho thấy, do biến đổi khí hậu nên thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, thành phố Hà Nội đã có kế hoạch cụ thể như thế nào?
- Những năm qua, thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án, đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn như: Lũ trên các tuyến sông; lũ rừng ngang; sạt lở bờ sông; úng ngập nội và ngoại thành; bão, lốc xoáy, mưa đá; hạn hán, cháy rừng; sạt lở đất ven sông, vùng đồi núi...
Bên cạnh đó, Hà Nội đã huy động mọi nguồn lực của thành phố, tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương và các tổ chức quốc tế, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội và cộng đồng dân cư để đầu tư, từng bước nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ những tác động của thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn. Thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng và đang triển khai các giải pháp nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai gắn với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô...
- Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai trong năm 2019 và những năm tới, thành phố Hà Nội đã, đang thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?
- Để triển khai công tác phòng, chống thiên tai chủ động, tích cực và hiệu quả, thành phố Hà Nội đã, đang triển khai các giải pháp công trình nhằm xóa bỏ những trọng điểm phòng, chống lũ lụt. Cụ thể là xử lý tổng thể khu vực cửa vào sông Đuống, đoạn tại xã Xuân Canh (huyện Đông Anh); đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Cụm công trình đầu mối Liên Mạc, Trạm bơm Đông Mỹ, nạo vét hệ thống sông Nhuệ, Trạm bơm Yên Nghĩa để tiêu thoát nước cho khu vực nội thành khi xảy ra mưa lớn... Bên cạnh đó, thành phố đã chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ khắc phục các sự cố đê điều, thủy lợi; bảo vệ tuyệt đối an toàn các công trình phòng, chống thiên tai.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng, trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác phòng, chống thiên tai; thực hiện phương châm “Ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) và “Bốn tại chỗ”. Thành phố cũng tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động dự báo, cảnh báo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai…
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phân công nhiệm vụ và địa bàn chỉ huy cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo, từng ngành, từng cấp. Khi xảy ra các tình huống thiên tai, sự cố, các cấp, ngành phải bám sát dự báo, địa bàn để nhanh chóng huy động lực lượng, nguồn lực tham gia phòng, chống; chủ động phát huy nội lực, kết hợp chặt chẽ với việc huy động các lực lượng tham gia ứng cứu, hỗ trợ, đặc biệt là sự tham gia của lực lượng vũ trang.
Trong trường hợp xảy ra ngập úng, các địa phương phải tập trung ưu tiên cho công tác sơ tán dân đến nơi an toàn; công tác chống tràn bảo vệ đê điều, hồ đập; thực hiện ngay các chính sách, quy định về hỗ trợ, khắc phục hậu quả úng ngập bảo đảm kịp thời, chính xác, đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách đến từng người dân, từng hộ gia đình bị thiệt hại; nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân và phục hồi sản xuất...
- Trân trọng cảm ơn ông!