Nạo vét các dòng kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Trang Huỳnh)
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó với các tình huống về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tăng mạnh trong thời gian tới. Trong đó, phân giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban ngành và UBND huyện, thành phố tổ chức thực hiện và tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo kịp thời khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tăng mạnh.
Phối hợp kiểm tra, đôn đốc địa phương ưu tiên nguồn lực đầu tư và khẩn trương nạo vét kênh rạch bị cạn kiệt, khu vực có nguy cơ thiếu nước cho sản xuất để tích trữ nước, sửa chữa cống, kiểm tra vận hành các trạm bơm kịp thời cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong mùa khô.
Đồng thời xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước, chịu hạn theo vùng, phù hợp với tình hình nguồn nước; điều chỉnh lịch xuống giống tránh thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt trong thời gian sinh trưởng của cây trồng. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng cần ít nước và phù hợp với nhu cầu của thị trường, phát triển cây trồng giống mới có giá trị kinh tế cao thích nghi với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên cập nhật và thông tin rộng rãi về chất lượng nguồn nước trên các sông, kênh rạch... đến các địa phương và người dân biết chủ động tích trữ nước, điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với tình hình nguồn nước trong thời gian có nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn tăng mạnh.
Sở Công Thương, Công ty Điện lực Đồng Tháp cần phối hợp chặt chẽ với sở, ngành liên quan, UBND huyện, thành phố xây dựng phương án, kế hoạch cung ứng đủ điện đảm bảo phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và công tác phòng, chống hạn hán trên địa bàn tỉnh...
Trang Huỳnh