Hàng năm, tỉnh Tiền Giang xảy ra hàng chục điểm sạt lở lớn ven sông, rạch như: sông Tiền, sông Ba Rài, sông Cái Bè, sông Phú Phong, kênh Chợ Gạo... Kinh phí làm kè bê tông khắc phục mỗi điểm sạt lở này từ vài tỷ đồng đến cài chục tỉ đồng; trong khi đó nguồn tài chính của tỉnh còn khó khăn nên nhiều điểm sạt lở trong thời gian dài đến nay, chưa thể khắc phục.
Để hạn chế xảy ra sạt lở ven sông, rạch, Sở Nông Phát triển nông thôn Tiền Giang đã triển khai dự án “Mô hình Kè giữ lục bình và trồng cây để phòng chống sạt lở trên địa bàn các huyện, thị phía Tây”. Đây là giải pháp trồng, quản lý cây lục bình thí điểm tại những vị trí sông, rạch có độ dốc thấp, ghe tàu lưu thông nhiều gây sạt lở mặt và không có dòng chảy ngầm.
Trồng lục bình ven bờ sông Tiền thuộc cù lao Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang.
Thực tế sau một thời gian thí điểm cho thấy, mô hình này dễ làm, dễ nhân rộng, kinh phí thực hiện thấp (khoảng 200.000 đồng/m dài) nhưng có hiệu quả phòng sạt lở rất cao, được nhân dân các địa phương đồng tình hưởng ứng. Để thực hiện mô hình này, chính quyền, đoàn thể các địa phương vận động nhân dân có đất dọc theo bờ sông, rạch thực hiện; trong đó ngân sách xã hỗ trợ 50% (100.000 đồng/m dài), phần còn lại do nhân dân đóng.
Từ hiệu quả của mô hình thí điểm, đến nay nhiều hộ dân ven sông, rạch của tỉnh Tiền Giang đã nhân rộng mô hình này rất hiệu quả, không chỉ hạn chế sạt lở mà còn tạo bồi lắng.
Ông Trình Văn Sỹ, nông dân xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy chia sẻ: “Nhờ cây lục bình chắn sóng rất tốt, sóng đánh không bao giờ lở đất, vì sóng muốn đánh vô đất liền phảu qua lớp chắn bằng lục bình giảm đi, nên bồi lắng, bảo vệ môi trường rất tốt. Mình trồng cây bần hai bên, thả dây xuống, cây lục bình tấp vô mình bón phân cây rất tốt, bà con ở đây trồng cây bần thêm vô. Đặc biệt lá lục bình từ dưới xã Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) lên mua nhiều, cọng lục bình thì người ta dùng để đan”./.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
https://vov.vn/xa-hoi/trong-luc-binh-chan-song-giup-phong-chong-sat-lo-rat-hieu-qua-post963254.vov