Từ Nghệ An đến Quảng Ngãi ứng phó mưa, ngập lụt

Đăng ngày: 30-10-2023 | Lượt xem: 1369
Các chuyên gia khí tượng cho rằng, đặc điểm của đợt mưa này là theo từng cơn ngắt quãng, chủ yếu xuất hiện ở vùng ven biển miền Trung.

Theo ghi nhận của Trung tâm Dự báo Khí tượng - thủy văn quốc gia, từ đêm 28 đến ngày 29-10, nhiều nơi ở miền Bắc đã có mưa; riêng miền Trung như Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam… đã có mưa lớn kéo dài. Một số trạm khí tượng đã đo được lượng mưa lớn như: Mường Giang (Sơn La) 109,6mm, Hưng Phú (Nghệ An) 213,2mm, Cương Gián (Hà Tĩnh) 160mm…

Theo các chuyên gia khí tượng, tâm điểm của đợt mưa này là khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi, trong các ngày 30 và 31-10, khi không khí lạnh ở phía Bắc tràn sâu xuống miền Bắc và miền Trung.

UBND huyện Bình Sơn đã đi kiểm tra công tác ứng phó tại các địa phương trên địa bàn huyện ngày 16-10. Ảnh: NGUYỄN TRANG

UBND huyện Bình Sơn đã đi kiểm tra công tác ứng phó tại các địa phương trên địa bàn huyện ngày 16-10. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tuy nhiên, các chuyên gia khí tượng cho rằng, đặc điểm của đợt mưa này là theo từng cơn ngắt quãng, chủ yếu xuất hiện ở vùng ven biển miền Trung, nên có thể không gây ảnh hưởng tới các hồ chứa ở thượng nguồn, song các địa phương như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cần đề phòng ngập, lụt ở vùng trũng thấp. Bên cạnh đó, đợt mưa cũng giúp giảm nền nhiệt ở miền Trung, mang đến lượng nước tưới đáng kể cho cây trồng, cải thiện mực nước tại các hồ thủy lợi.

Triều cường ở vùng biển Nam bộ vẫn khiến mực nước biển có xu hướng tăng thêm. Dự báo ngày 30-10, mực nước cao nhất tại Trạm hải văn Vũng Tàu có thể đạt đỉnh là 4,2m và độ cao sóng ở ven bờ có thể đạt 1-2m. Từ ngày 31-10, mực triều vẫn cao nhưng bắt đầu xu hướng giảm. Trong các ngày xuất hiện triều cường, nhiều khu vực ven biển Nam bộ cần chủ động giảm tác động của triều cường. Tại TPHCM, triều cường có thể đạt báo động 3 vào sáng sớm và buổi chiều tại các trạm đo thủy văn như trạm Phú An trên sông Sài Gòn, trạm Nhà Bè trên sông Đồng Điền. Người dân sống ở khu vực trũng, thấp thuộc đường Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TPHCM) cần chủ động giảm thiệt hại do triều cường trên sông Sài Gòn và kênh Tẻ dâng cao.

*Trước tình hình mưa kéo dài nhiều ngày, chiều 29-10, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đã ký công văn số 399 đề nghị các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang ứng phó với các hình thái: mưa vừa, mưa lớn đến rất lớn từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, gió giật trên vịnh Bắc bộ; mưa dông (có thể kèm lốc xoáy cấp 7-8) trên vùng biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.

*Cùng ngày, đợt triều cường lớn trên sông Hậu bắt đầu dâng cao, nước tràn vào nhiều tuyến đường và nhà dân trong nội ô TP Cần Thơ. Hoạt động bán buôn của hàng trăm người dân bị tê liệt trong buổi sáng. Đường Cách Mạng Tháng Tám, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Trần Việt Châu… tiếp tục là khu vực bị ảnh hưởng nặng. Nước bắt đầu tràn vào nhiều tuyến đường từ 4 giờ, đến 7 giờ mới rút chậm.

Theo Đài Khí tượng - Thủy văn TP Cần Thơ, đỉnh triều cao nhất tại Trạm Cần Thơ trên sông Hậu sẽ xuất hiện ngày 29 và 31-10, mực nước đạt 2,15-2,20m, cao hơn báo động 3 từ 0,15-0,20m. Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh triều hàng ngày vào lúc sáng sớm: 5-7 giờ và chiều tối lúc: 16-18 giờ. Việc thông báo thời gian triều cường xuất hiện sẽ giúp người dân TP Cần Thơ chủ động sắp xếp thời gian đi lại và tránh đi các tuyến đường thường xuyên bị ngập khi có triều cường.

VĂN PHÚC - VĨNH TƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tu-nghe-an-den-quang-ngai-ung-pho-mua-ngap-lut-post711954.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: