Từng bước hiện đại hóa hồ chứa để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ

Đăng ngày: 27-10-2021 | Lượt xem: 2394
Để tăng cường công tác đảm bảo an toàn hồ đập trên địa bàn, tỉnh Bình Định đã có những bước thực hiện khoa học, sâu sát với từng công trình.

Chuẩn bị kỹ càng từng bước

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, để tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2021, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tiến hành các bước chuẩn bị. Để đảm bảo an toàn cho từng công trình, Bình Định đã phân loại đập, hồ chứa và phân cấp quản lý, khai thác từng hồ chứa.

Trong 163 hồ chứa lớn nhỏ trên địa bàn, Bình Định đã phân loại có 61 hồ chứa lớn là những hồ có 25 cửa van và 36 tràn tự do; 37 hồ chứa vừa là những hồ có 2 cửa van và 35 tràn tự do; 65 hồ chứa nhỏ là những hồ có 4 cửa van và 61 tràn tự do. Sau khi phân loại, Bình Định đã chuyển giao cho Công ty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý, khai thác các hồ chứa lớn để đáp ứng yêu cầu năng lực quản lý, khai thác công trình.

Hồ Định Bình, hồ chứa lớn nhất của Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Để việc đánh giá mức độ an toàn hồ đập sát với thực tế, trong năm 2020, Bình Định đã thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước và ban hành quy chế hoạt động cụ thể. Năm 2021, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục điều chỉnh, bổ sung thành viên của Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước theo đề nghị của Sở NN-PTNT.

“Trong năm 2021, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định và các chủ hồ vừa và nhỏ ở các địa phương đã tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đập trước mùa mưa lũ năm 2021 để cập nhật, bổ sung thông tin vào các bảng kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa nước đã thực hiện theo quy định từ năm 2020 về trước. Đến nay, các đơn vị quản lý đập và hồ chứa đã hoàn thành tờ khai an toàn đập, hồ chứa năm 2021”, ông Hồ Đắc Chương cho hay.

Bên cạnh đó, Bình Định tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành hồ chứa. Sau 3 năm thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn-Hà Thanh; các hồ chứa thủy điện Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn C, Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom và các hồ thủy lợi Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh, Văn Phong đã cho thấy hiệu quả thiết thực trong công tác đảm bảo an toàn hồ chứa trong mùa lũ, sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Về triển khai lập các quy trình vận hành các hồ chứa khác, Sở NN-PTNT Bình Định đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị khai thác hồ chứa triển khai thực hiện. Đến nay các đơn vị đã thực hiện lập quy trình vận hành được 57/163 hồ chứa, trong đó có 14 hồ đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt quy trình vận hành, gồm các hồ: Định Bình, Núi Một, Hội Sơn, Vạn Hội, Cẩn Hậu, Ông Lành, Chí Hòa 2, Đại Sơn, Trong Thượng, Núi Miếu, Trinh Vân, Hưng Long, Suối Rùn, An Tường; 40 hồ đã lập quy trình trong giai đoạn thiết kế, sửa chữa nhưng chưa được phê duyệt; 3 hồ nhỏ đã được chủ hồ lập và tự thực hiện.

Thiết bị hiện đại được lắp đặt tại hồ Núi Một ở TX An Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Tất cả những phần việc nói trên đã góp phần vào công tác bảo đảm an toàn hồ đập trên địa bàn trong những mùa mưa lũ, bởi từng công trình được quản lý chặt chẽ, vận hành đúng quy trình”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, khẳng định.

Từng bước hiện đại hóa công trình thủy lợi

Trong năm 2021, Bình Định đã thông qua Nghị quyết kế hoạch đầu tư công trung hạn để sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trọng điểm, cấp bách giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ. UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở NN-PTNT kiểm tra hiện trạng các hồ chứa nước để đề xuất danh mục các hồ chứa thủy lợi cần được nâng cấp, sữa chữa theo dự án nâng cao an toàn đập và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi thuộc nguồn vốn vay vốn của Ngân hàng thế giới (WB) giai đoạn năm 2021 - 2025.

Trong năm 2020, Bình Định đã ban hành kế hoạch nâng cao năng lực quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trong lĩnh vực thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Bình Định đã lắp đặt trạm quan trắc mưa tại 25 hồ chứa và đã có 69 hồ được lắp đặt quan trắc mực nước hồ; 15 hồ được quan trắc lưu lượng nước đến và lưu lượng nước xả. Số liệu quan trắc của các trạm đo mưa và mực nước tự động được truyền trực tuyến về Chi cục Thủy lợi Bình Định để giám sát, đề xuất chỉ đạo, điều hành.

Cán bộ Công ty TNHH KTCTTL ngồi tại văn phòng vẫn theo dõi mực nước hồ Núi Một. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Thiết bị quan trắc công trình đập, hồ chứa nước chủ yếu là quan trắc chuyển vị, quan trắc thấm, quan trắc ứng suất trong công trình và nền công trình được yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc gia về công trình thủy lợi, các quy định chủ yếu về thiết kế bố trí thiết bị quan trắc cụm công trình đầu mối. Hiện Bình Định đã thực hiện quan trắc chuyển vị được 2 hồ chứa yêu cầu phải lắp đặt; quan trắc thấm được 13 hồ, quan trắc ứng suất được 3 hồ”, ông Hồ Đắc Chương cho hay.

Bình Định cũng đã lắp đặt hệ thống giám sát vận hành; thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập. Hồ gồm Định Bình và hồ Núi Một đã được lắp đặt thiết bị kết nối số liệu; lắp đặt camera cho 3 hồ có yêu cầu gồm hồ Định Bình, Núi Một và Thuận Ninh.

Đồng thời thực hiện phương án cắm mốc bảo vệ hạ du đập ở 12 hồ chứa có dung tích từ 0,5 triệu m3 trở lên hoặc đập có chiều cao từ 10m trở lên, gồm các hồ: Thuận Ninh, Hòn Lập, Hà Nhe, Tà Niêng, Mỹ Thuận, Thạch Khê, Núi Một, Long Mỹ, Ông Lành, Quang Hiển, Suối Đuốc, Đập Lồi. Ban Quản lý dự án NN-PTNT cũng đã tổ chức việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ hạ du đập trên thực địa đối với 20 hồ chứa, gồm các hồ Thạch Bàn, Hố Cùng, Lỗ Môn, Cự Lễ, Mỹ Đức, Kim Sơn, Hóc Tranh, Đá Bàn, Giao Hội, An Tường, Núi Miếu, Trinh Vân, Hưng Long, Suối Rùn, Hố Trạnh, Cây Me, Chánh Thuận, Phú Khương, Phú Thuận, Thiết Đính. Trong năm 2021, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định tiếp tục cắm mốc bảo vệ hạ du các hồ Định Bình, Hội Sơn, Trong Thượng, Suối Tre, Vạn Hội, Cẩn Hậu. Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 đã lập phương án và được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt cắm mốc bảo vệ hồ Đồng Mít trước khi đưa vào bàn giao sử dụng công trình.

Đập Văn Phong cũng có phương án phòng chống thiên tai riêng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong năm 2020, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định đã lập phương án phòng chống thiên tai riêng cho từng hồ chứa, đến nay đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt phương án 5 hồ chứa lớn gồm hồ Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh, Vạn Hội, Hội Sơn và đập Văn Phong; các hồ còn lại được lồng ghép vào phương án ứng phó thiên tai của các xã; đồng thời đã lập được phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho 6 hồ chứa gồm các hồ: Định Bình, Núi Một, Mỹ Đức, Đá Bàn, An Tường và Núi Miếu.

“Qua kiểm tra hiện trạng, hiện trên địa bàn vẫn còn 36 hồ đang bị hư hỏng, xuống cấp. Trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Bình Định ưu tiên nâng cấp sửa chữa cho 7 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp nặng theo đề nghị của Sở NN-PTNT gồm các hồ: Đồng Quang, Hóc Hảo, Đá Bàn, Cây Sung, Chánh Hùng, Hóc Thánh, Giàn Tranh. Trong 36 hồ bị hư hỏng, xuống cấp có 12 hồ bị hư hỏng thuộc diện xung yếu cần hạn chế tích nước trong năm 2021, gồm các hồ: Cây Sung, Giàn Tranh, Hóc Thánh, Đá Bàn, Cây Điều, Thuận An, Hóc Dài, Suối Cầu, Hóc Xoài, Mu Rùa, Nam Hương, Hải Nam”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

Theo Báo Nông nghiệp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: