Hồ Đồng Đáng, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) bị vỡ khiến nhiều hộ dân bị ngập chìm trong nước năm 2013.
Ngày 1/9, tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão số 5 trên biển Đông, ông Lê Văn Dương, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi) phản ánh tình trạng một số hồ đập, công trình thủy lợi gặp sự cố sau mưa lũ do bão số 4.
Đặc biệt, ở Thanh Hóa có 2 hồ chứa thủy lợi, do nước về lớn nên bị tràn và gặp sự cố, nhưng ở cấp tỉnh (Sở NN&PTNT) lại không nắm được vấn đề.
Cụ thể, Hồ Làng Pheo (huyện Ngọc Lặc) có dung tích khoảng 100.000m3 đang thi công từ nguồn vốn đất lúa (đã đạt 80% khối lượng). Tuy nhiên, do mưa lớn đã làm tràn qua mặt đập 0,6m, sau đó đã làm vỡ vai trái tràn với chiều dài khoảng 5m. Hiện hồ đã được tháo cạn nước, địa phương đang chuẩn bị phương tiện để đắp lại.
Còn hồ Nhiêu Mua (huyện Vĩnh Lộc) có dung tích khoảng 140.000m3 đang thi công từ nguồn vốn đất lúa (đã đạt 85% khối lượng), mưa lớn đã làm xói mang tràn xả lũ khoảng 3m. Hiện nước trong hồ đã tháo cạn và nhà thầu đang xử lý sự cố...
Tại kênh chính Cửa Đạt cũng bị tràn bờ kênh một số vị trí. Hiện nước đã rút, phát hiện một số hư hỏng công trình: 30m bê tông đáy kênh bị đẩy trồi, 43 tấm bê tông đáy và mái bị nứt 3-5mm và một số hư hỏng nhỏ khác. Ngoài ra, kênh nhánh B12 thuộc kênh Bắc Cửa Đạt bị vỡ, nghiêng dài 40m, hiện đã được đắp bao tải đất khắc phục tạm...
Hồ chứa trên địa bàn gặp sự cố, nguy cơ đe dọa an toàn người dân hạ du, nhưng tại sao cơ quan chuyên môn của tỉnh Thanh Hóa không nắm được?
Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này, ông Lê Văn Dương lý giải, các sự án sửa chữa, cải tạo hồ đập nói trên, dù vốn của tỉnh nhưng giao cho huyện làm chủ đầu tư. Việc thiết kế kỹ thuật liên quan đến vấn đề sửa chữa hồ lại không thông qua đơn vị chuyên môn ở tỉnh như Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Thanh Hóa).
Từ đó, đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT không thẩm định vấn đề trên. “Nếu có cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế trên, họ kiểm soát và góp ý cho UBND huyện phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, thi công sẽ đảm bảo an toàn hơn… Đương nhiên, việc này đã giao cho huyện thì, cấp huyện phải chịu trách nhiệm”, ông Dương nói.
Theo ông Dương, tình hình trên trên là tình trạng chung ở nhiều địa phương. Khi đưa dự án về huyện, ở các phòng nông nghiệp ở huyện, có nơi có cán bộ chuyên môn thủy lợi, nơi không. Vì vậy, phần nào đó ảnh hưởng đến quá trình thẩm định, phê duyệt các phương án đảm bảo an toàn cho các hồ đập.
Ông Dương cũng cho biết, tới đây Tổng cục Thủy lợi có thể có những khuyến cáo, đề nghị các địa phương rà soát, chấn chỉnh ở vấn đề trên, mới mục tiêu là đảm bảo an toàn cho các công trình, hồ chứa thủy lợi nhỏ.
Cũng theo ông Dương, với tình trạng mưa lớn, cục bộ trong thời gian ngắn như hiện nay, rất khó lường trước về độ an toàn các ở các công trình hồ chứa nhỏ. Thực tế khác với các hệ thống hồ chứa lớn, với hồ chứa nhỏ, các dữ liệu về khí tượng thủy văn rất thiếu. Bởi, khi có quan trắc về khí tượng trong thời gian dài, sẽ có những cảnh báo sát hơn.
Nói vụ việc trên, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Thiên tai, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lưu ý, khu vực trung du và miền núi, cần đảm bảo an toàn cho hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa đang gặp sự cố, sửa chữa, các hồ thủy điện nhỏ.
“Quản lý ở địa phương không năm bắt được tình về thực trạng các hồ chứa thủy lợi, đây là nguyên nhân rất nguy hiểm, có thể gây thạm họa cho dạ du khi có vỡ đập”, ông Hoài nói.
Cũng theo ông Hoài, các hồ chứa thủy điện nhỏ hiện một số hồ đã xả tràn, Bộ Công Thương cần chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ vấn đề này. “Một số hệ thống thủy điện nhỏ trên sông Mã và một số sông khác đã xả lũ và kiểm soát không chặt chẽ”, ông Hoài nói.
Theo tienphong.vn