Ứng phó với nguy cơ, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn

Đăng ngày: 31-01-2024 | Lượt xem: 4706
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, năm 2024, tại Nghệ An có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước ngọt cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, huyện, thị, thành phố chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Tỉnh Nghệ An chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Ảnh: TTXVN

Tỉnh Nghệ An chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Ảnh: TTXVN

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực, nhất là thời kỳ cao điểm thường xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn; đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng, UBND cấp huyện có liên quan chỉ đạo vận hành linh hoạt, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các hệ thống thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn tài nguyên nước, vừa bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, vừa bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm.

Ông Nguyễn Hào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để sẵn sàng vận hành bơm chống hạn nhằm đảm bảo nguồn nước cho bà con nông dân sản xuất, sinh hoạt. Về lâu dài, tập trung sửa chữa, nâng cấp 120 hồ chứa và xây dựng đập trên sông Lam nhằm cấp nước thô cho các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh; đồng thời, ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa, ngăn mặn, trữ ngọt cấp nước cho hạ du.

Đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Các địa phương này hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng tránh gieo trồng ở vùng không chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất, bố trí cây trồng có cùng khả năng chịu mặn để thuận tiện cho việc điều tiết nước; đồng thời, chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Trịnh Duy Hưng (TTXVN)

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: