Các địa phương trong tỉnh ngày càng chủ động hơn trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội bền vững;
Trong đó, công tác dự báo khí tượng thuỷ văn phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giữ vai trò rất quan trọng và luôn được chính quyền các cấp và các ngành ở địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là từ khi Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Khí tượng thuỷ văn được ban hành.
Các thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn đã được Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh sử dụng phục vụ Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai của tỉnh ban hành tại Quyết định 2365/QĐ-UBND ngày 11/9/2020 phê duyệt về việc phê duyệt Kế hoạch Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2025; Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; Quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai; rà soát, có kế hoạch di dời dân cư vùng có rủi ro thiên tai rất cao
Các số liệu ngành khí tượng thuỷ văn đã phục vụ cho tỉnh trong việc xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai, xác định cấp độ rủi ro thiên tai và theo dõi, giám sát thiên tai qua đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2260/QĐ-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2016 phê duyệt phương án ứng phó rủi ro thiên tai Ban hành kèm.
Thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai đã phục vụ kịp thời, chính xác, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng, đặc biệt quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương và trong trường hợp cần thiết được chuyển tải bằng ngôn ngữ dân tộc.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã bước đầu tổ chức thực hiện việc xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai làm cơ sở để theo dõi, giám sát thiên tai để tham mưu UBND tỉnh, các ngành, địa phương lồng ghép quy hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã hỗ trợ xây dựng bản đồ đường đi của bão; biểu đồ đường quan hệ của các hồ chứa thủy lợi và thủy điện; các biểu đồ mực nước trên các sông chính và các cấp báo động; Bản đồ Phòng chống thiên tai....
Văn phòng thường trực được trang bị máy tính trực ban chuyên dùng để phục vụ công tác trực ban phòng chống thiên tai, lưu trữ dữ liệu phòng chống thiên tai qua các năm (các số liệu quan trắc mưa, mực nước sông, số liệu vận hành của các nhà máy thủy điện, đập Thảo Long,…); các số liệu về mức độ ngập lụt tại các địa phương qua những trận lũ lớn năm 2016, 2017, 2020. Tích hợp các số liệu phương án di dời sơ tán dân phục vụ phòng chống thiên tai vào hệ thống GIS Huế.
Với việc hệ thống thông tin KTTV hiện nay đã được đầu tư hiện đại và khá đồng bộ, từ hệ thống máy chủ, các hệ thống thông tin chuyên ngành; hệ thống kênh thông tin quốc tế; hệ thống mạng riêng luôn đảm bảo sự hoạt động ổn định, thông suốt trong mọi tình huống, nhất là trong khi có tình hình thời tiết nguy hiểm, phục vụ tốt yêu cầu của công tác dự báo, cảnh báo bão, lũ cũng như truyền tin kịp thời tới các bộ, ngành, địa phương.
Năm 2020, bão, lũ xảy ra liên tiếp tại tỉnh với quy mô rộng lớn, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” chưa từng có trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn. Tỉnh TT-Huế đã bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 và số 8 và 05 cơn bão (số 5, 6, 9, 12, 13) đổ bộ với sức gió cấp 11-12 giật cấp 14-15, kèm theo mưa đặc biệt lớn, gây lũ lịch sử ở sông Bồ.
Trước, trong, sau mỗi đợt thiên tai thông tin, dữ liệu khí tượng thuỷ văn đã được Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh sử dụng tổng hợp nhiều giải pháp công nghệ thông tin, nhắn tin, chuyển email, Facebook, Zalo, Website, ứng dụng Hue-S của Trung tâm điều hành đô thị thông minh của tỉnh phát các bản tin cảnh báo thiên tai để các địa phương, đơn vị chủ động phòng tránh.
Cung cấp thông tin đường dây nóng 19001075 hỗ trợ ứng phó mưa lũ cho người cộng đồng; đưa ra các quyết định nghiêm cấm người ra đường khi có bão, lũ lớn qua đó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cơ quan KTTV đã cập nhật các bản tin dự báo KTTV liên tục từng giờ để phục vụ các giai đoạn cứu hộ cứu nạn ở Rào Trăng 3.
Phục vụ công tác chỉ đạo vận hành hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện đúng với Quy trình vận hành đã được phê duyệt; Thực hiện Quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương theo Quyết định số 1606/QĐ-TTg ngày 13/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước mỗi trận lũ, bão, trên cơ sở các bản tin dự báo, cảnh báo của Đài KTTV, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT và TKCN đã ban hành các Công điện chỉ đạo vận hành; Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã ban hành các lệnh vận hành yêu cầu các hồ trên lưu vực sông Hương đưa dần về mực nước thấp nhất đón lũ theo quy trình. Thường xuyên theo dõi tình hình mưa lũ theo từng giờ để ban hành các lệnh vận hành hợp lý đã góp phần cắt lũ, giảm lũ, làm chậm lũ và tránh gây đột biến cho vùng hạ du, tăng thêm quỹ thời gian cho chính quyền và nhân dân vùng hạ du có thời gian chủ động triển khai công tác ứng phó với lũ lụt, làm giảm rất đáng kể thiệt hại có thể xảy ra.
Hiện nay, dưới tác động của BĐKH tình hình thiên tai diễn biến phức tạp khó lường, đồng thời do yêu cầu nhiệm vụ công tác phục vụ ngày càng cao nên việc phối hợp chia sẻ thông tin khí tượng giữa các đơn vị khí tượng thủy văn và cơ quan phòng chống thiên tai vì vậy cũng cần nâng lên tầm cao mới. Thông tin cần được chia sẻ nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ban ngành và địa phương, chia sẽ thông tin cho các tổ chức, cá nhân phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai.
Tạp chí Khí tượng Thủy văn