Với mục đích nhằm đảm bảo nhu cầu nước cho hoạt động sản xuất trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra của mùa khô năm 2020-2021 và cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là dân cư ở vùng gặp khó khăn về nguồn nước, góp phần đảm bảo và ổn định đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân trong tỉnh. Đảm bảo nước tưới cho diện tích 52.800 ha lúa, trên 24.100 ha cây màu vụ Đông Xuân vụ 2020-2021; hơn 49.000 lúa và gần 20.000 ha cây màu vụ Hè Thu năm 2021, và 59.854 ha cây lâu năm hiện có trong tỉnh. Trong đó, đảm bảo ngăn mặn, cấp nước tưới cho hơn 20.000 ha lúa Hè Thu, hơn 3.700 ha cây màu ở các huyện bị nhiễm mặn cao trên 4‰ (Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình và Long Hồ). Đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân trong tỉnh, đặc biệt chú trọng cấp nước sinh hoạt cho hơn 19.000 hộ ở nông thôn hiện chưa có nước máy sử dụng, hộ ở trong nội đồng xa kênh, rạch lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt do nguồn nước bị cạn kiệt và bị ô nhiễm, nhiễm mặn. Ngoài ra còn đảm bảo sức khỏe của người dân và tránh xảy ra dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tổ chức cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy - nổ; giúp dân ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.
Các biện pháp cụ thể-Biện pháp phi công trình
Củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, tập trung toàn bộ các nguồn lực, cả hệ thống chính trị phục vụ cho công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn;
Theo dõi chặt chẽ, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến và dự báo xâm nhập mặn thông qua hệ thống tin nhắn SMS và các phương tiện thông tin đại chúng đến tất cả các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư vùng ảnh hưởng mặn đều biết để kịp thời tổ chức ứng phó tốt.
Tăng cường tuyên truyền đến các ngành, các cấp, nhân dân nhận thức được tác động của hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020 để chuẩn bị tốt kế hoạch phòng, chống. Vận động người dân tích cực tham gia gia cố cống đập, nạo vét kênh mương trên địa bàn để tích trữ nước; thực hiện vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước nhất là đảm bảo vệ sinh nguồn nước nội đồng khi tích trữ và khi đóng cống ngăn mặn; và chuẩn bị dụng cụ chứa nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình ít nhất trong 15 ngày.
Tổ chức vận hành tốt những công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt, cấp nước tưới đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và công trình nước sạch hiện có đảm bảo cấp nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Cụ thể: Đóng toàn bộ cống ngăn mặn ở huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ và huyện Mang Thít (các xã ven sông Cổ Chiên, như: Chánh An, An Phước, thị trấn Cái Nhum, Tân An Hội, Tân Long Hội, Mỹ Phước, một phần của xã Mỹ An, Nhơn Phú), ở huyện Tam Bình (các xã ven sông Măng, như: Ngãi Tứ, Bình Ninh, Loan Mỹ, Hòa Thạnh, Tường Lộc, Hòa Lộc, Hòa Hiệp), thị xã Bình Minh (xã Mỹ Hòa, một phần xã Đông Thành, Đông Thạnh, Đông Bình); trữ nước trong đồng triệt để; Mở cống hạn chế ở vùng khác; Bơm tưới cho vùng gò cao; Ngưng bơm hút thu nước cho các Trạm cấp nước sử dụng nước mặt khi độ mặn từ 3‰ trở lên; Bơm hút lúc triều xuống khi độ mặn xuống thấp hơn 3‰; Cấp hỗ trợ bột xử lý nước, nước thùng (nước sạch đóng thùng để uống), dụng cụ chứa nước ngọt cho hộ dân sử dụng nước bị nhiễm mặn và chưa có nước máy, hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt, hộ ở nông thôn chưa có nước máy sử dụng. Có tính đến phương án dùng xe bồn, hoặc xà lan chở nước ngọt cấp cho dân.
Khai thác các giếng khoan nước ngầm đã có: hơn 10.000 giếng bơm riêng lẻ và các giếng khoan cấp nước tập trung ở các huyện Vũng Liêm và Trà Ôn. Riêng huyện Trà Ôn có 3 giếng khoan tầng sâu, công suất lớn tập trung ở các xã Vĩnh Xuân, Thuận Thới, Hựu Thành và Phú Thành.
Kế hoạch truyền thông, tập huấn về phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn
a) Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT tỉnh: thông báo về tình hình hạn, mặn hàng ngày qua hệ thống tin nhắn SMS đến 293 đầu số; Cấp phát cho các xã, phường, thị trấn tờ rơi về “Hướng dẫn quy trình trữ nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn và các giải pháp kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi trong điều kiện hạn - xâm nhập mặn”.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
- Thực hiện kế hoạch chuyển đổi lịch thời vụ trên cây lúa, rau màu các vụ Đông xuân 2020-2021, Hè thu 2021 nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của tình hình thời tiết, sâu bệnh hại lên năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
- Tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhằm hướng đến việc hướng dẫn nông dân các địa phương trong tỉnh giảm dần diện tích lúa, chuyển đổi sang trồng các cây rau màu ít sử dụng nước tưới, có khả năng chịu hạn hoặc nuôi trồng thủy sản. Số lượng lớp tập huấn: 7 lớp, qui mô 30 người/lớp/ngày ở 7 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
- Tuyên truyền để nâng cao hiệu quả quản lý dịch hại và phòng chống thiệt hại do thiên tai trên cây trồng. Qui mô: 3 cuộc phát động. Số lượng tài liệu in ấn: 10.000 tờ. Tuyên truyền trên trang thông tin điện tử Chi cục về kỹ thuật nhằm giúp cây trồng hạn chế ảnh hưởng của hạn, mặn, số lượng tin bài: mỗi quí có từ 3-5 bài.
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản: Thường xuyên quan trắc độ mặn tại vùng nuôi thủy sản bị nhiễm mặn. Tổ chức 5 lớp tập huấn (dự kiến 150 người tham dự) về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản có lồng ghép biện pháp ứng phó, giảm thiệt hại về thủy sản do xâm nhập mặn .
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Bình: mở 3 lớp tập huấn lồng ghép phòng chống hạn mặn dự kiến có 150 đại biểu tham dự.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn: mở 1 lớp tập huấn lồng ghép phòng chống hạn mặn dự kiến có 50 đại biểu tham dự, treo 14 pano tuyên truyền và 14.000 tờ rơi.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũng Liêm: mở 2 lớp tập huấn lồng ghép phòng chống hạn mặn tại cù lao Dài, dự kiến có 100 đại biểu tham dự.
Các giải pháp ngăn mặn có thể giảm thiểu thiệt hại cho nông nghiệp Vĩnh Long
Các biện pháp công trình
a) Nạo vét công trình kênh thủy lợi tạo nguồn
Nạo vét một số kênh chính, kênh tạo nguồn, đắp đập, đê bao ngăn mặn, sửa chữa các cống, đập điều tiết nước, trữ ngọt, sửa chữa, bố trí trạm, máy bơm cấp nước tưới.
Ưu tiên đầu tư nạo vét kênh mương, đặc biệt là hệ thống thủy lợi nội đồng, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ ngọt chống hạn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Tại các khu vực bị ảnh hưởng mặn, tập trung công tác quản lý vận hành công trình kết hợp nạo vét công trình thủy lợi để tiếp nước ngọt và bơm tát chống hạn do thiếu nguồn nước.
Thực hiện khẩn cấp nạo vét kênh, mương thủy lợi nội đồng để đảm bảo cấp nước tưới phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021, vụ Hè Thu năm 2021 kết hợp cấp nước sinh hoạt trong điều kiện khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt.
b) Bơm tát hỗ trợ: Huy động số máy bơm, trạm bơm tưới hiện có trong tỉnh:
+ Bơm cố định: 17 trạm bơm điện;
+ Bơm di động: 7 máy bơm cố định (mô-tơ điện), 165 máy bơm dầu D15 (do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các xã quản, huy động trong dân) và 24.060 máy bơm nhỏ trong dân.
+ Diện tích bơm (2 lần) là 8.284 ha.
c) Công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn
Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và sửa chữa nhỏ 24 công trình nước sạch do Trung tâm quản với tổng kinh phí thực hiện 23.100 triệu đồng từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
Tin tỉnh Vĩnh Long- Kế hoạch PCTT