Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, năm 2018, toàn tỉnh xuất hiện 15 đợt thiên tai làm chết 21 người, mất tích 1 người, bị thương 25 người; thiệt hại về nhà ở là gần 5.800 nhà; thiệt hại và ảnh hưởng gần 4.500 ha lúa, hoa màu và cây công nghiệp; thiên tai cũng làm thiệt hại trên 2.600 con gia súc và trên 25.800 con gia cầm… Các công trình giao thông bị hư hỏng, sạt lở lên đến hàng chục nghìn mét khối; hư hỏng gần 550 công trình thủy lợi; 18 điểm trường, 6 nhà văn hóa và 1 trạm y tế bị tốc mái… Uớc tính thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.
Trong 4 tháng năm 2019, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 5 đợt thiên tai, mưa kèm theo dông lốc, làm thiệt hại trên 1.100 nhà; trên 590 ha cây trồng; trên 6 nghìn con gia cầm và 87 lồng cá bị thiệt hại. Thiên tai cũng làm 13 công trình công cộng bị thiệt hại, 3 cột điện bị gãy đổ, hư hỏng 1 đường dây hạ thế… Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 14,2 tỷ đồng.
Trong năm 2019, theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp, số lượng cơn bão ít nhưng cường độ mạnh và dị thường hơn. Nhằm chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, tỉnh Yên Bái sẽ triển khai các giải pháp như: Nâng cao chất lượng công tác dự báo, thông báo nhanh kịp thời tình hình mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân phòng tránh; tăng cường củng cố tu bổ, nâng cấp mạng lưới thông tin từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống; có kế hoạch bảo vệ các công trình chống lũ, các trạm biến thế, đường dây điện thoại.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những khó khăn trong công tác cứu hộ, cứu nạn và việc khắc phục hậu quả do thiên tai. Đồng thời kiến nghị đề xuất những giải pháp trong việc phòng chống, khắc phục thiên tai.
Ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đánh giá cao kết quả công tác PCTT-TKCN của các cấp, các ngành trong thời gian qua, đồng thời cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác này như một số địa phương còn chưa chủ động trong công tác PCTT-TKCN; một số nơi chưa làm tốt công tác tuyên truyền dự báo, cảnh báo về tình hình thời tiết; dự báo về tình hình lũ quét, sạt lở đất; chưa làm tốt việc báo cáo thường xuyên về công tác PCTT-TKCN; trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ còn thiếu và nhiều bất cập... Cùng với đó, yêu cầu các cấp, các ngành cần tổ chức kiểm tra, giám sát các công trình hồ đập, thủy lợi, thủy điện; làm tốt công tác tổ chức lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện, hậu cần để sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra.
Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiên túc công tác dự báo, cảnh báo; theo dõi sát, không chủ quan trước diễn biến bất thường của thời tiết. Phối hợp; quán triệt và tổ chức, chỉ đạo thực hiện phương châm "4 tại chỗ" một cách chủ động, thực chất và có hiệu quả; chủ động kiểm tra, rà soát lại các phương án, lên danh sách các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có kế hoạch chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn; chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn về người, tài sản cho nhân dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại về các công trình hạ tầng khi có thiên tai xảy ra; tổ chức, chỉ đạo thực hiện tốt công tác diễn tập phòng chống thiên tập ứng phó thiên tai bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn cấp xã năm 2019 đảm bảo hiệu quả, an toàn và tiết kiệm.
Bên cạnh đó, các Sở, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ thực hiện tốt công tác PCTT-TKCN như: Đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống nhất là những vùng thường xuyên bị ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; phổ biến cho nhân dân kịp thời các thông tin dự báo thời tiết, những kiến thức cơ bản về phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai; Chủ động, kịp thời khắc phục hậu quả các sự cố về điện khi thiên tai xảy ra; đảm bảo cấp điện an toàn cho sản xuất và sinh hoạt; quản lý tốt thị trường, cung cấp kịp thời các mặt hàng thiết yếu, đến vùng sâu, vùng xa khi xảy ra thiên tai.
Theo Báo TN&MT