Lào Cai: Tăng cường công tác bảo vệ rừng tự nhiên và động thực vật quý hiếm

Đăng ngày: 27-04-2020 | Lượt xem: 5970
Nhắm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngày 21/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên; thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, các ngành, các cấp đã tích cực triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng rừng vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên chưa nghiêm; vẫn còn hiện tượng khai thác, chặt phá, buôn, bán gỗ, lâm sản trái phép; sử dụng các sản phẩm thực vật, động vật rừng thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm trái pháp luật, làm gia tăng áp lực về công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng quản lý, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị chủ rừng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, quản lý chặt đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên, không để tình trạng khai thác gỗ trái pháp luật xảy ra trên địa bàn, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về hạn chế sử dụng gỗ rừng tự nhiên, nhất là sử dụng gỗ rừng tự nhiên không rõ nguồn gốc; khuyến khích lựa chọn sử dụng các sản phẩm gỗ rừng trồng, gỗ công nghiệp hoặc các loại vật liệu khác thay thế.

Lào Cai là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên rất lớn cần được chăm sóc và bảo vệ

Đẩy mạnh, tăng cường công tác quản lý động, thực vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ trên địa bàn tỉnh theo quy định. Mọi hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được quản lý, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp theo đúng quy định.

Tăng cường, quản lý chặt các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản, các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã theo đúng quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm hoặc đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép cơ sở không đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, không phù hợp với quy hoạch, điều kiện gây nuôi, nhốt động vật hoang dã đúng quy định.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp; tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, quản lý chặt đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên, không để tình trạng khai thác gỗ trái phép xảy ra, kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật;khuyến khích các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, kinh doanh, phát triển thương mại gỗ rừng trồng.

Tình trạng buôn bán động vật hoang dã vẫn thường xuyên xảy ra ở các phiên chợ vùng cao của tỉnh Lào Cai,

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và các đơn vị liên quan tham mưu,bố trí kinh phí cho tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, không sử dụng gỗ rừng tự nhiên không rõ nguồn gốc, ngăn chặn khai thác, vận chuyển gỗ, lâm sản trái phép theo quy định hiện hành. Sắp xếp lại công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh.

Báo, Đài địa phương tích cực tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên; không sử dụng gỗ rừng tự nhiên không rõ nguồn gốc, khuyến khích sử dụng gỗ rừng trồng, sử dụng vật liệu khác thay thế; tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn các loài động vật hoang dã và Công ước CITES; kịp thời đưa tin những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc về bảo tồn, kiểm soát buôn, bán động vật hoang dã để nhân rộng; lên án những hành vi, việc làm trái quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước CITES.

Cục Hải quan tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép động vật, thực vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ các loài động, thực vật hoang dã tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, nhất là các sản phẩm thuộc danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm .

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: