Bão số 4 hướng vào khu vực miền Trung

Đăng ngày: 19-09-2024 | Lượt xem: 238
Sáng nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024. Cơ quan khí tượng khuyến cáo người dân tuyệt đối không được chủ quan vì hoàn lưu của bão số 4 bao trùm một khu vực rất rộng, các hiện tượng mưa dông, lốc xoáy kèm gió giật mạnh có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào với lượng mưa lớn nên nguy cơ cao lũ quét và sạt lở đất rất cao.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết sáng nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024. Ông đặc biệt lưu ý với người dân các tỉnh miền Trung không nên chủ quan bởi hoàn lưu bão bao trùm khu vực rất rộng. Các hiện tượng mưa dông, lốc xoáy kèm gió giật mạnh có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào với lượng mưa lớn nên nguy cơ cao lũ quét và sạt lở đất rất cao.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, 4 giờ hôm nay, 19/9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão với cường độ cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; cách Đà Nẵng 210km về phía Đông Bắc, cách Quảng Trị khoảng 260km về phía Đông. Tới thời điểm 7 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 17.5 độ Vĩ Bắc; 108.7 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 160km về phía Đông Bắc, Quảng Trị khoảng 165km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất: Cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10.

Dự báo đến 16 giờ chiều nay, bão sẽ ở vị trí trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị đến Quảng Nam với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Vùng nguy hiểm - 19,5N; phía Tây kinh tuyến 113.0E.

Các khu vực ảnh hưởng có rủi ro thiên tai cấp 3, bao gồm: Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa); vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư); khu vực đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.

Đến 4 giờ sáng mai 20/9, bão sẽ suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực trung Lào, gió dưới cấp 6. Vùng nguy hiểm từ 15,0N - 19,5N; phía Tây kinh tuyến 110.0E. Vùng ảnh hưởng có rủi ro thiên tai cấp 3, bao gồm: vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Nam (bao gồm đảo Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư); khu vực đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

Ông Mai Văn Khiêm cảnh báo, dù bão số 4 chỉ là cơn bão cấp 8 nhưng người dân các địa phương tuyệt đối không được chủ quan vì hoàn lưu của bão số 4 bao trùm một khu vực rất rộng, không chỉ ở khu vực chịu tác động trực tiếp là Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ mà nó còn mở rộng ra các khu vực khác như Nam Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ do kết hợp hoàn lưu gió mùa Tây Nam mạnh cũng như nằm trong giải hội tụ nhiệt đới. Chính vì thế, trong hệ thống thời tiết xấu này có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào hiện tượng mưa dông, lốc kèm gió giật mạnh. Chúng tôi đã nhấn mạnh rất nhiều lần gió giật mạnh trong dông lốc xoáy còn mạnh thậm chí nguy hiểm hơn bão mạnh. Điều này rất nguy hiểm đối với các hoạt động trên biển, trên bờ, đặc biệt ở khu vực neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản. Chúng ta tuyệt đối không nghĩ rằng đây là cơn bão cấp 8 mà xem thường tác động của nó.

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cảnh báo cơn bão số 4 đang nằm trong hệ thống dải hội tụ nhiệt đới có trục vắt ngang khu vực Trung Trung Bộ, đồng thời đang trong thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Tây Nam nên tổ hợp này có thể gây ra một đợt mưa trên diện rộng và kéo dài.

Mưa đã xuất hiện từ hôm qua và kéo dài trong 2 ngày tới lượng mưa ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có thể đạt 200 - 300mm, có nơi trên 500mm, trọng tâm mưa lớn là ở Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị. Vùng mưa có thể xuất hiện ở Tây Nguyên, Nam Bộ, Nam Đồng bằng Bắc Bộ. Các địa phương hết sức lưu ý, khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất; mưa ở Nam Bộ thì gây ngập úng đô thị.

Chúng tôi cảnh báo, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất trong những ngày tới. Thực tế, trong các bản tin lúc 18 giờ ngày 18/9 của hệ thống dự báo khí tượng thủy văn từ Trung ương đến địa phương, 8 tỉnh Trung Bộ đã xác định có 80 xã với 200 điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ông Khiêm lưu ý.

Các loại hình thiên tai có tính chất rất bất định, thay đổi rất nhanh và bất thường. Chính vì thế, cơ quan, tổ chức khí tượng thế giới cũng như tất cả các các cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam đều xác định, khi cảnh báo thiên tai phải cảnh báo cả mức độ rủi ro từ thấp cho đến cao. Ở mức độ nào thì tác động xảy ra có thể như thế nào đối với cộng đồng và người dân, từ đó, cộng đồng và người dân có thể chủ động ứng phó, tránh tình huống bị động rất nguy hiểm.

Hiện nay, Tổng cục Khí tượng Thủy văn được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao trách nhiệm chính cung cấp thông tin thiên tai, cảnh báo thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và ứng phó từ cấp Trung ương đến địa phương. Cơ quan khí tượng thủy văn thường xuyên cập nhật định kỳ, đột xuất cho các cơ quan truyền thông, báo chí để làm sao thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất đến người dân.

“Lấy ví dụ với cơn áp thấp nhiệt đới/bão hiện nay, hệ thống áp thấp đã bao trùm một khu vực rộng lớn ở biển Đông và nếu mà theo dõi chỉ đơn thuần trên ảnh mây vệ tinh thì rất khó xác định tâm bão. Và thực tế, hoàn lưu bão bao trùm rộng cả Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ mà mở rộng hơn nữa. Nếu người dân quan tâm tới vị trí tâm bão và khi nào bão đổ bộ sẽ rất nguy hiểm”, ông Khiêm nhấn mạnh.

Ông Khiêm cũng cho biết cơ quan chuyên môn sẽ phải triển khai theo dõi và dựa trên những cái quy trình chặt chẽ để xác định nguy hiểm ở đâu, khi nào để cảnh báo đối với người dân. “Thay vì cảnh báo rằng tâm bão khi nào vào đất liền thì chúng tôi cảnh báo khi nào trên đất liền bắt đầu chịu tác động của gió mạnh”.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới thông thường chỉ kéo dài trong khoảng 6 - 8 tiếng. Một số trường hợp bão mạnh, bão lớn có thể kéo dài hơn 10 - 12 tiếng như cơn siêu bão Yagi. Cơ quan khí tượng thủy văn sẽ tập trung cảnh báo, xác định khoảng thời gian đó để người dân, cộng đồng cố gắng tránh trú, đảm bảo an toàn; sau đó tiếp tục có bản tin báo yên, kết thúc.

Thông tin thời tiết và thiên tai thường xuyên được cập nhật trên các trang web của Tổng cục Khí tượng Thủy văn: kttv.gov.vn, nchmf.gov.vn, thoitietvietnam.gov.vn.

“Hiện nay, không có quy định cấm người dân quan tâm đến thông tin nào, nguồn nào, nhưng thông tin chính thống nhất do Tổng cục Khí tượng thủy văn cung cấp. Chúng tôi mong khi người dân khai thác thông tin của cơ quan, đơn vị, cá nhân bên ngoài cần hết sức lưu ý, phân tích, đánh giá những dữ liệu, thông tin đó có đáng tin cậy hay không trước khi sử dụng,” ông Khiêm nhấn mạnh./

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: