Công tác dự báo tác động của thời tiết, thiên tai của Tổng cục Khí tượng Thủy văn hiện nay

Đăng ngày: 25-03-2024 | Lượt xem: 1421
Từ đầu năm 2020, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã bước đầu thêm các thông tin cảnh báo tác động vào trong bản tin bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); đến thời điểm hiện tại thì tất cả các bản tin dự báo, cảnh báo của Tổng cục KTTV đều phải kèm theo thông tin về khả năng tác động đến môi trường và điều kiện sống.

Trao đổi với chuyên gia ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, phóng viên đã có những câu hỏi.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiếtTrung tâm Dự báo KTTV quốc gia.

PV: Được biết những năm gần đây, Tổng cục KTTV đã đưa thêm các thông tin cảnh báo tác động vào trong bản tin dự báo. Xin ông cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác này đang được triển khai như thế nào?

Dự báo tác động có thể giúp các cấp lãnh đạo, những người ra quyết định bảo vệ công cộng tốt hơn, như: có thể đưa ra các khuyến nghị về sơ tán, đóng cửa trường học và các biện pháp bảo vệ khác để giảm thiệt hại về người, về cơ sở hạ tầng và giảm nhẹ thiệt hại kinh tế.

Dự báo tác động và cảnh báo rủi ro thiên tai là một công cụ quan trọng cho các nhà quản lý tình trạng khẩn cấp, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác tham gia vào việc chuẩn bị, lên kế hoạch, quản lý rủi ro thiên tai và hành động ứng phó khi tình huống thiên tai xảy ra.

PV: Qua những đợt thiên tai khí tượng thủy văn điển hình dưới tác động của biến đổi khí hậu, công tác dự báo tác động thời tiết, thiên tai đã phát huy hiệu quả ra sao, thưa ông? (cụ thể trường hợp đợt hạn mặn năm 2023 - 2024 hiện nay).

Việc chuyển đổi các thông tin về dự báo cường độ gió, cường độ mưa, nhiệt độ, … sang các thông tin tác động trực tiếp đến con người, đến sản xuất kinh tế - xã hội (bản tin dự báo dựa trên tác động) sẽ hữu ích hơn cho người nhận thông tin, giúp họ biết được thời tiết thiên tai sẽ xảy ra và sẽ gây ra những tác động gì.

Người dân có thể đón nhận những thông tin này dễ dàng hơn, hình dung được sẽ có thể gây ra những tác động gì và từ đó có biện pháp, phương án phòng chống tốt hơn.

Kinh nghiệm cho thấy, dự báo tác động, cảnh báo RRTT rất hiệu quả đối với các loại thiên tai lớn (báo, lũ, nắng nóng diện rộng, các loại thiên tai diễn ra từ từ (hạn hán, xâm nhập mặn,...). Một số loại thiên tai quy mô nhỏ, xảy ra nhanh cần thông tin chia sẻ về đối tượng bị tác động ở các khu vực, cần hoàn thiện thêm về cơ chế, phương thức chia sẻ thông tin từ các Bộ, ngành, địa phương.

Cụ thể trong trường hợp đợt hạn mặn năm 2023-2024 hiện nay, Tổng cục KTTV đã theo dõi và cảnh báo được từ sớm khả năng và mức độ thiếu nước trên khu vực các tỉnh phía Nam, ở đây là khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong mùa khô 2023-2024. Từ đó đánh giá được khả năng cao sẽ xảy ra xâm nhập mặn sẽ xâm nhập sâu vào trong đất liền. Các thông tin dự báo tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đã được chuyển sớm đến Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ban chỉ huy PCTT các tỉnh thành để xây dựng biện pháp ứng phó ngay từ sớm. Thông tin dự báo tác động của hạn hán, xâm nhập mặn cũng được chuyển đến các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí, nội dung được cập nhật liên tục trên trang Web của Tổng cục KTTV, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia … để người dân vùng ảnh hưởng biết được và có biện pháp phòng tránh cho chính mình. Tính đến thời điểm này, các thông tin dự báo tác động cho đợt hạn mặn 2023-2024 đã có hiệu quả cao trong phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại.

PV: Xin ông cho biết trong thông tin dự báo tác động hiện nay của Tổng cục có những yếu tố cấu thành là gì?

Bản tin dự báo tác động đặt trọng tâm vào người dân và các hoạt động sản xuất kinh tế, xã hội.

Dự báo dựa trên tác động là việc chuyển đổi từ việc trả lời câu hỏi: “Thời tiết sẽ như thế nào?” (ví dụ như: mưa 50mm/24 giờ, gió cấp 6-cấp 7…) thành việc trả lời câu hỏi trọng tâm: “Thời tiết sẽ gây ra tác động gì?” đối với người dân, tới các đối tượng chịu rủi ro trước thời tiết, thiên tai như nông nghiệp, giao thông, du lịch, nuôi trồng thủy sản.

Đầu tiên là thông tin về loại hình thiên tai và khả năng ảnh hưởng của nó đến các khu vực mà nó ảnh hưởng. Từ đó đưa ra dự báo, cảnh báo một cách cụ thể và chi tiết nhất có thể ảnh hưởng của các loại hình thiên tai đó.

Thứ hai là các hoạt động kinh tế - xã hội đang diễn ra trong khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của thiên tai

Thứ ba là khả năng chống chịu của từng khu vực bị ảnh hưởng của loại hình thiên tai đó

PV: Đây là vấn đề mới tại Việt Nam và theo ông, cơ chế chính sách hiện nay còn thiếu những nội dung gì để có thể hoàn thiện các khâu dự báo tác động một cách thống nhất, giúp cơ quan khí tượng thủy văn đưa ra thông tin dự báo bám sát với điều kiện thực tế nhất có thể?

Công tác phòng, tránh thiên tai hiện nay cần có sự vào cuộc của cả một hệ thồng chính trị. Ví dụ trong dự báo và cảnh báo Bão, ATNĐ, Tổng cục KTTV đưa ra thông tin dự báo tác động của bão, ATNĐ nhưng các thông tin này không được chuyển kịp thời đến các cơ quan có trách nhiệm, không đưa đến được với người sử dụng bản tin thông qua các phương thức truyền tin (Website, các phương tiện thông tin đại chúng, …) với nội dung bản tin dễ hiểu và dễ sử dụng nhất, … thì sẽ không có hiệu quả trong phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Chính vì vậy, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương đóng vai trò rất quan trọng để có thể hoàn thiện một cách tốt nhất các khâu của Dự báo tác động.

Ngoài ra, nâng cao nhận thức của người sử dụng bản tin trong hiểu biết về thiên tai, tác động của thiên ta, cách sử dụng các bản tin dự báo cảnh báo thiên tai sao cho đúng bản chất và có hiệu quả trong phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại, … Vì vậy, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng qua đó sẽ nâng cao năng lực cho ngành KTTV đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống thiên tai

PV: Dự báo tác động sẽ đóng vai trò gì trong tiến trình nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh vấn đề cảnh báo sớm đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu, thưa ông?

Bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai trước đây và bản tin dự báo, cảnh báo có phần tác động như hiện nay có sự khác biệt rõ rệt. Bản tin theo quy định như hiện nay đã đánh giá được cấp độ rủi ro thiên tai, từ đó cho thấy mức độ nguy hiểm do thiên tai gây ra nhằm chủ động các phương án phòng ngừa, ứng phó.

Bên cạnh đó, dự báo cảnh báo khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế - xã hội đã phần nào giúp nắm bắt và hình dung rõ hơn khả năng ảnh hưởng của thiên tai đến cộng đồng, sinh hoạt của người dân vùng thiên tai và từ đó chủ động triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó thiên tai giảm thiểu tối đa các thiệt hại có thể xảy ra.

Các thông tin dự báo, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai, dự báo khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế - xã hội trong các bản tin cũng giúp rất nhiều trong công tác lập và xây dựng kế hoạch, cũng như triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó thiên tai.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: