Diễn biến của các loại hình thiên tai năm 2020 tại Việt Nam

Đăng ngày: 20-01-2021 | Lượt xem: 5710
Diễn biến của các loại hình thiên tai năm 2020 tại Việt Nam

Trên thế giới, trong những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu nên thiên tai cũng vô cùng khắc nghiệt, như đợt mưa tuyết bất thường tại Mỹ, Canada, Nga và nhiều nước châu Âu trong tháng 02 năm 2021; mức nhiệt trung bình toàn cầu giai đoạn 5 năm 2016-2020 là giai đoạn nóng nhất trong lịch sử; Greenland mất một lượng băng kỷ lục lên tới 532 tỷ tấn vào năm 2019, tính trung bình mỗi phút có 1 triệu tấn băng tan (tương đương 400 hồ bơi băng cỡ Olympic); tại Verkhoyansk thuộc vùng Bắc Cực của Siberia, nhiệt độ quan trắc được đến 380C vào ngày 20 tháng 6 năm 2020, đây là giá trị nhiệt độ chưa bao giờ có trong lịch sử ở Bắc Cực. Mùa hè năm 2020, mưa, lũ lớn tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc khiến hơn 300 người chết, thiệt hại ước tính trên 10 tỷ USD.

Tại Việt Nam, năm 2020 là một năm của dịch bệnh và thiên tai cực đoan, nhiều kỷ lục về bão, mưa, lũ, dông, sét kèm mưa đá dịp tết Canh tý ở Bắc Bộ; thiếu hụt nước và xâm nhập mặn xảy ra sớm, nghiêm trọng và khốc liệt hơn năm hạn mặn kỷ lục 2016 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); bão chồng bão, lũ chồng lũ trong tháng 10 và tháng 11 năm 2020 tại các tỉnh miền Trung; trong đó bão số 9 (Molave) là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây; mưa lớn kéo dài gây ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở miền Trung, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của người dân, cụ thể:

- Về bão: Chịu ảnh hưởng trực tiếp của 07 cơn bão (số 2, 6, 7, 9, 10, 12, 13) và 01 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Trong đó, bão số 9 cùng với bão Xangxane (2006) là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Bộ, tại Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14.

- Về mưa: Cả nước đã xảy ra 19 đợt mưa lớn trên diện rộng. Trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11, miền Trung đã chịu ảnh hưởng của 06 đợt mưa lớn kéo dài với tổng lượng mưa phổ biến trên 1000mm, một số nơi mưa đặc biệt lớn như: Thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) 2.521mm, Khe Sanh (Quảng Trị) 2.894mm, A Lưới (Thừa Thiên Huế) 4.526mm, Trà My (Quảng Nam) 2.813mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 2.292mm. Lượng mưa một ngày đặc biệt lớn xảy ra ở nhiều khu vực như: Hướng Linh (Quảng Trị) 763mm/ngày; Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế) 719mm/ngày; Kỳ Thượng (Hà Tĩnh) 809mm/ngày; thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) 884mm/ngày.

Về lũ, ngập lụt: Đã xuất hiện liên tiếp 04 đợt lũ lớn và đặc biệt lớn trên các hệ thống sông khu vực Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, một số nơi đã có đỉnh lũ vượt mức lịch sử như: Trên sông Hiếu, sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Bồ (Thừa Thiên Huế), sông Kiến Giang (Quảng Bình). Ngập lụt sâu, diện rộng, thời gian dài đã xảy ra tại nhiều lưu vực sông, đặc biệt là ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Lũ đã gây ngập lụt sâu trên phạm vi rộng, kéo dài ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.

Đặc biệt, các đợt bão chồng bão và mưa, lũ lớn liên tục gây ra nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng, nhất là tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên Huế); Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 Hướng Hoá (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam).

- Hạn hán, xâm nhập mặn:

Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên: Mực nước đã xuống mức thấp trong chuỗi số liệu quan trắc so với cùng thời kỳ. Lưu lượng dòng chảy trung bình trên phần lớn các sông phổ biến ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ từ 20-65%, một số nơi thiếu hụt trên 75%. Hạn hán xảy ra gay gắt tại các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Khu vực Nam Bộ: Mực nước trên sông Mê Công ở mức thấp, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về ĐBSCL ở mức thấp hơn từ 5-20% so với TBNN và cùng thời kỳ năm 2016. Hạn hán, xâm nhập mặn đã diễn ra gay gắt ở khu vực này, đã có tổng số 04 đợt xâm nhập mặn tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh ở ĐBSCL.

- Triều cường:

Khu vực ven biển Nam Bộ đã liên tiếp xuất hiện 02 đợt triều cường cao vào ngày 15 đến ngày 17 tháng 10 và từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 11 năm 2020. Trong đó, đợt triều cường từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 11 năm 2020 đã gây mực nước biển dâng cao kỷ lục, với số liệu quan trắc tại trạm Hải văn Vũng Tàu ngày 17 tháng 11 năm 2020 là 4,4m, cao hơn 4cm so với mốc lịch sử năm 1999. Triều cường cao đã gây ngập úng nhiều khu vực trũng các tỉnh ven biển Đông Nam Bộ và trên các lưu vực sông trong TP. Hồ Chí Minh.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: