Kịch bản của bão Côn Sơn khi vào Biển Đông

Đăng ngày: 08-09-2021 | Lượt xem: 5478
Hiện nay, các nhận định về bão Côn Sơn còn phân tán, có phương án bão đi lệch xuống Bắc Trung Bộ, phương án khác là sau khi bão đi qua quần đảo Hoàng Sa sẽ suy yếu dần.

Sáng nay (8/9), Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến triển khai công tác ứng phó với bão Côn Sơn.

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, lúc 8h sáng nay, bão Côn Sơn đang hoạt động ở miền Trung Philippines, mạnh cấp 8-9.

 

Kịch bản của bão Côn Sơn khi vào Biển Đông
Dự báo hướng đi của bão Côn Sơn. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai

Ông Khiêm thông tin, ngoài bão Côn Sơn thì còn có bão Chanthu rất mạnh đang hoạt động song song ở phía bên ngoài. Do khoảng cách không quá xa nên sẽ tác động đến cường độ, hướng di chuyển bão Côn Sơn khi đi vào Biển Đông và tác động đến đất liền Việt Nam.

Dự báo đêm nay, bão Côn Sơn sẽ vào Biển Đông. Hiện bão nằm trên dải hội tụ nhiệt đới, đang chịu tác động của bão Chanthu và tác động hệ thống cao cận nhiệt đới. Do đó, hướng di chuyển vào Biển Đông trong 3-4 ngày tới sẽ có một số thay đổi nhất định.

Hiện nay, các nhận định còn phân tán, có phương án bão đi lệch xuống Bắc Trung Bộ, có phương án sau khi bão đi qua quần đảo Hoàng Sa sẽ suy yếu dần. Tuy nhiên, phần lớn các phương án bão Côn Sơn di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 20km/h hướng vào vịnh Bắc Bộ và hướng vào đất liền giữa các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. 

Về cường độ, bão mạnh nhất đạt cấp 11 khi đi qua quần đảo Hoàng Sa, khi tiến gần về đảo Hải Nam sẽ suy yếu dần.

Ông Khiêm cho hay, trước mắt cần lưu ý gió mạnh ở Bắc Biển Đông trong 2 -3 ngày tới, gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 12-13. Quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 11 trong ngày 10/9, toàn bộ các tàu thuyền phải lưu ý và cần có phương án phòng tránh an toàn.

Đối với ảnh hưởng trên đất liền, hiện bão còn chịu tác động của bão Chanthu (bão có thể đạt cấp 15-16) sẽ tác động đến cường độ và hướng di chuyển của bão Côn Sơn nên các phương án tính toán tổ hợp, chắt lọc đến thời điểm hiện tại vùng có khả năng chịu tác động của bão từ Bắc Trung Bộ đến Bắc Bộ.

Về mức độ ảnh hưởng cường độ và mưa thì do bão còn xa, các tính toán còn nhiều biến động nên Trung tâm dự báo KTTV quốc gia sẽ cập nhật những tác động và mưa sau khi bão đi vào Biển Đông.

Do bão còn xa nên các phương án tính toán mô hình về mưa còn phân tán, với kịch bản xấu nhất theo đúng như dự báo lượng mưa có thể lên tới 200-300mm/đợt.

Dự báo bão đổ bộ đất liền đêm 12/9

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết thêm, theo dự báo của Trung tâm dự báo KTTV quốc gia, bão đổ bộ vào đất liền khoảng đêm chủ nhật (12/9) đến rạng sáng thứ 2 (13/9) với cường độ cấp 10-11, giật cấp 13, kèm theo mưa lớn trên diện rộng. 

 

Kịch bản của bão Côn Sơn khi vào Biển Đông
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp

Hiện chúng ta đang ứng phó với dịch Covid-19, trong khi ứng phó với bão, các khu vực vùng ảnh hưởng của bão và khu vực tàu thuyền vào neo đậu thì phải có phương án đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ.

Ông lưu ý, ở miền núi, mực nước các hồ chứa ở mức độ thấp nhưng mưa trong 1 tuần qua có những nơi trên 200mm nên nước đang trong tình trạng bão hòa, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất hiện hữu. 

Nếu xảy ra mưa từ 150-200mm có thể nhiều nơi sẽ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Một số hồ chứa, hồ thủy lợi, thủy điện nhỏ có thể phải xả lũ. 

Ông Trần Quang Hoài thông tin, nếu bão vẫn giữ cường độ và hướng di chuyển như dự báo của Trung tâm dự báo KTTV quốc gia thì Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có thể họp Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai với lãnh đạo Ban chỉ huy các bộ, ngành và địa phương để ứng phó với cơn bão này vào thứ 6 (10/8).

Theo Vietnamnet

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: