Mùa mưa bão năm 2021: Dự báo sẽ xuất hiện nhiều đợt lũ

Đăng ngày: 15-09-2021 | Lượt xem: 6873
Cơ quan chuyên môn dự báo, từ nay đến cuối năm, Khánh Hòa sẽ hứng chịu nhiều đợt mưa lớn, nhiều khả năng xuất hiện các đợt lũ. Việc rà soát để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ lụt đang được các ngành, địa phương, đơn vị tập trung triển khai.

Tổng lượng mưa sẽ tăng cao


Ngày 8-9, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ đã đưa ra nhận định về xu thế khí tượng thủy văn tỉnh Khánh Hòa từ nay đến cuối năm 2021. Theo đó, từ nay đến cuối năm, sẽ có khoảng 7 - 9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông, trong đó 3-4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền và 1-2 cơn bão, ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Nam Trung Bộ. Tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm khoảng 1.300 đến 1.500mm, cao hơn 20-30% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm. Do đó, mực nước trên các sông, suối sẽ tăng nhanh, nhiều khả năng sẽ xuất hiện 3-5 đợt lũ, trong đó có 2-4 đợt lũ ở mức báo động 2-3, đỉnh lũ cao nhất có thể trên mức báo động 3.

 

Mưa lớn gây ngập lụt tại xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang cuối năm 2020.

Mưa lớn gây ngập lụt tại xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang cuối năm 2020.


Cơ quan chuyên môn dự báo, từ nay đến cuối năm, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm (bão, ATNĐ, mưa lớn, lũ...) sẽ hoạt động gia tăng, tập trung cao điểm trong thời gian từ tháng 10 đến đầu tháng 12. Đặc biệt, cần lưu ý đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và mưa lớn dồn dập trong thời gian ngắn có thể gây lũ lụt, sạt lở đất.


Cần chủ động ứng phó


Theo báo cáo vào ngày 6-9 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), qua rà soát đánh giá, sở nhận thấy, hiện nay, một số nội dung theo quy định về công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa (Công ty Thủy lợi Khánh Hòa) quản lý vẫn chưa được thực hiện. Chẳng hạn như quy trình vận hành các hồ đã quá hạn hoặc chưa lập quy trình; công tác kiểm định đập, lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, lập và lưu trữ cơ sở dữ liệu hồ sơ công trình... Đây đều là những nội dung quan trọng trong công tác vận hành điều tiết, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước và vùng hạ du; nếu không kịp thời thực hiện, điều chỉnh, bổ sung sẽ làm cho công tác chỉ đạo vận hành xả lũ các hồ trong mùa mưa lũ thiếu chính xác, nguy cơ mất an toàn công trình và vùng hạ du rất lớn. Sở NN-PTNT đã đề nghị Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khẩn trương hoàn thiện các nội dung nêu trên, cũng như thực hiện các nội dung đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trong mùa mưa bão năm 2021, báo cáo kết quả về sở trước ngày 15-9.


Về việc chủ động ứng phó với khả năng mưa lớn, dồn dập từ nay đến cuối năm, ngày 9-9, Sở NN-PTNT có văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị khẩn trương hoàn thiện lập, rà soát, bổ sung phương án phòng, chống thiên tai theo quy định đối với các đập, hồ chứa nước thuộc trách nhiệm quản lý của từng địa phương, đơn vị, gửi về sở trước ngày 20-9.


Ngoài ra, sở cũng yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa bố trí đầy đủ bộ phận chuyên môn theo dõi, kiểm tra, giám sát các đập, hồ chứa nước; căn cứ thông tin của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, thực hiện vận hành điều tiết, xả lũ đúng quy trình và phù hợp với tình hình thực tế, vừa đảm bảo việc tích nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất vừa đảm bảo an toàn công trình hồ chứa nước, hạn chế ngập lụt hạ du khi có mưa lũ lớn xảy ra. Đặc biệt, phối hợp với các địa phương, thông báo nắm bắt, chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi có thiên tai, mưa lũ xảy ra; khẩn trương kiểm tra, rà soát, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai tại các hồ, đập. Riêng tại các hồ chứa nước có dấu hiệu hư hỏng, mất an toàn, đơn vị quản lý phải tổ chức kiểm tra, thực hiện ngay gia cố, khắc phục và bố trí lực lượng thường xuyên theo dõi để kịp thời xử lý nếu xảy ra sự cố.


Đối với các hồ chứa nước đang triển khai thi công (Dự án WB8), Ban Quản lý Dự án WB8 tiếp tục rà soát phương án phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn đập trong giai đoạn thi công công trình đập, hồ chứa nước để chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn công trình khi có tình huống thiên tai xảy ra; chỉ đạo các đơn vị thi công tạm dừng hoạt động trong các ngày có bão, mưa lớn; tập kết máy móc, trang thiết bị và bố trí lực lượng trực tiếp tại hiện trường để chủ động phối hợp với đơn vị quản lý hồ chứa xử lý, khắc phục sự cố công trình (nếu có).

Theo Báo Khánh Hòa

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: