Câu 48: Thế nào là mưa a xít? Mưa a xít thường xảy ra ở đâu?

Đăng ngày: 21-04-2010 | Lượt xem: 4121

Trong thực tế, để đo độ a xít trong các dung dịch lỏng, người ta thường xác định bằng thang độ pH (thang logarith). Căn cứ vào độ ăn mòn của a xít người ta xác định được, khi độ pH = 7 các dung dịch mang tính chất trung tính. Thông thường với ngưỡng pH = 5,6 (pH = 5,6 là mức pH của nước bão hoà khí CO2) được coi là cơ sở để xác định mưa a xít. Điều này có nghĩa là trong bất kỳ một trận mưa nào, nếu đo được độ pH của nước mưa nhỏ hơn 5,6 thì đó là một trận mưa a xít.

Cũng cần nói thêm rằng, trong giới chuyên môn, đôi khi người ta dùng thuật ngữ "sự lắng đọng a xít" (Acid deposition), thay vì “mưa a xít”(acid rain). Hai thuật ngữ này nghe có vẻ giống nhau, nhưng thực tế nó khác nhau ở chỗ "sự lắng đọng a xít" là sự lắng đọng của a xít trong khí quyển xuống bề mặt Trái đất bao gồm cả trạng thái khô (các hạt bụi) hay trạng thái ướt (mưa a xít), còn “mưa a xít” chỉ thuần túy nói về sự lắng đọng các a xít trong khí quyển xuống bề mặt Trái đất ở trạng thái ướt.

Trong nước mưa bao giờ cũng có một lượng a xít nhất định (độ pH trong nước mưa không đạt đến ngưỡng mưa a xít). Nhưng ở các khu vực công nghiệp, khi có mưa, đo nồng độ pH xác định được các cơn mưa đó có nồng độ a xít cao hơn các nơi khác, vì ở những khu vực này khí quyển bị ô nhiễm do hơi đốt và khói của các nhà máy thải ra.

Nước mưa kết hợp với khí cacbonic trong không khí tạo thành axit cacbonic có nồng độ rất thấp. Axit yếu này có thể làm phân hủy đá vôi.

Nước mưa cũng kết hợp với khí thải của các nhà máy. Khí thải này có thể bị gió mang đi rất xa. Được hơi ẩm trong không khí hấp thụ, khí biến thành a xít sulfuric và a xít nitric. Mưa lại mang theo những chất axit này đến những vùng rất xa khu vực bị ô nhiễm đó.

Những cơn mưa a xít đẩy nhanh quá trình ăn mòn, nghĩa là làm mòn đá. Nó cũng dần dần làm ô nhiễm nhiều hồ và dòng nước, rất nguy hiểm cho các loài động vật sinh sống ở đó.

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: